Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị làm rõ phản ánh về tiêu cực trong CSGT, thanh tra giao thông và đăng kiểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, lâu nay người dân rất phàn nàn về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và đăng kiểm, vì thế, giám sát cần đánh giá xem hiện nay còn tiêu cực nữa không.

Sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Bên cạnh đó, tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu.

Điểm đáng lưu ý khác, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe tuy có nhiều đổi mới, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người được cấp giấy phép lái xe chưa cao, tình trạng lái xe vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ còn nhiều…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị làm rõ phản ánh về tiêu cực trong CSGT, thanh tra giao thông và đăng kiểm ảnh 1

Các đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Quốc Hội)

Ai quản lý sau đào tạo, cấp phép lái xe?

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến vấn đề đầu tư trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, cần được quan tâm. Bởi theo ông, nếu lái xe trên cao tốc trong thời gian dài mà không có trạm dừng nghỉ sẽ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Đối với vấn đề đào tạo quản lý cấp phép lái xe, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quản lý sau cấp phép thế nào? Phân định trách nhiệm ra sao, ai quản lý là chính? Luật đang tính chuyện trừ điểm lái xe, nhưng sau khi đào tạo, cấp phép xong thì ai quản lý? Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, thì cần tập trung đi sâu hơn và nên có quy định cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quan tâm đến việc phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực đầu tư, phương tiện kết nối giao thông đa phương tiện. Theo ông, tổ chức giao thông thông minh là vấn đề mới, cần tiếp tục củng cố các cơ sở khoa học thực tiễn để có kiến nghị xử lý tổ chức vận hành trong điều kiện phải số hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đánh giá, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cải thiện rất nhiều, đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn, đường sá tốt hơn. Theo ông, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, cải thiện triệt để vấn đề này thì càng tốt.

Ông Nguyễn Đắc Vinh ví dụ về đèn xanh đỏ tại các tuyến cao tốc, chỗ xung đột giao thông lớn, cần phải tiếp tục nghiên cứu; hay ở những nơi giao cắt với đường sắt, ở đâu đó vẫn xảy ra tai nạn. Nhân dịp này cần rà soát, đánh giá, nếu chỗ nào chưa có điều kiện làm thì quan tâm kiến nghị.

Vấn đề đáng quan tâm khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, là tình trạng đua xe trái phép, dù lực lượng chức năng đã làm rất nghiêm, rất vất vả, nguy hiểm, nhưng thực tế vẫn còn xảy ra. Ông đề nghị pháp luật phải có quy định nghiêm, chặt chẽ hơn nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị làm rõ phản ánh về tiêu cực trong CSGT, thanh tra giao thông và đăng kiểm ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (Ảnh: Quốc Hội)

"Người dân rất phàn nàn về tiêu cực"

Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, trong 14 năm qua, chính sách pháp luật đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Vấn đề đăng kiểm phương tiện cũng có sự đổi mới rất lớn. Trước đây chỉ có nhà nước làm, nhưng với sự gia tăng rất lớn về phương tiện, nên đã được xã hội hóa, tư nhân cùng tham gia.

Nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điểm hạn chế là không kiểm soát tốt, dẫn đến vi phạm như vừa qua. Do vậy, phải phân tích, nhìn nhận để thấy được mặt tốt để phát huy, và thấy mặt hạn chế để khắc phục.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, lâu nay vẫn có câu chuyện người dân vi phạm trật tự giao thông rất phổ biến. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài họ lại tuân thủ nghiêm các quy định khi lưu thông trên đường. “Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta không nghiêm”, bà Nga đề nghị đưa việc giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào các trường học từ sớm.

Ngoài ra, bà Lê Thị Nga cũng đề nghị đoàn giám sát đánh giá tiêu cực trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay như thế nào.

“Lâu nay người dân rất phàn nàn về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và đăng kiểm. Trong lần giám sát này chúng ta đánh giá liệu hiện nay còn tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông nữa không”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phải làm rõ để có giải pháp khắc phục.

MỚI - NÓNG
Nhìn lại cây xanh Hà Nội sau bão số 3
Nhìn lại cây xanh Hà Nội sau bão số 3
TPO - Bão số 3 quét qua đã khiến rất nhiều cây xanh trên địa bàn Thủ đô bật gốc, gãy đổ, trong đó có cả những cây lớn hàng chục năm tuổi. Dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để “hồi sinh” những cây xanh gãy đổ, đặc biệt là những cây xanh quý hiếm nhưng vẫn để lại nhiều sự tiếc nuối với người dân thủ đô.