Cho phép xe chuyển bến được bán vé ở Mỹ Đình

Tổng cục Đường bộ yêu cầu, các xe chạy cùng tỉnh phải ở cùng một bến
Tổng cục Đường bộ yêu cầu, các xe chạy cùng tỉnh phải ở cùng một bến
TPO - Nằm trong các giải pháp khắc phục tình trạng vắng khách tại bến xe Nước Ngầm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với thành phố Hà Nội cho phép nhà xe được bán vé xe khách tại bến xe Mỹ Đình đối với các tuyến vừa chuyển về Nước Ngầm.

Tổng Cục Đường bộ cho biết, giải pháp này được đưa ra sau các phản ứng về tình trạng vắng khách của doanh nghiệp (DN) vận tải chạy các tỉnh phái Nam vừa được chuyển về bến Nước Ngầm. Do vậy Tổng Cục kiến nghị, đối với các DN vận tải vừa có lượt tuyến chuyển về bến Nước Ngầm sẽ vẫn được bố trí bán vé tại bến Mỹ Đình. “Việc đi lại giữa bến Mỹ Đình và Nước Ngầm, Sở GTVT Hà Nội lên phương án bố trí xe buýt chuyên biệt để trung chuyển khách. Cùng với đó, các tuyến buýt này cũng sẽ được bố trí khoang chứa đồ cho hành khách liên tỉnh”, đại diện Tổng Cục nhấn mạnh.

Với giá phí tại bến xe Nước Ngầm, Tổng Cục đường bộ đưa ra phương án, cần phải giảm giá dịch vụ bến bãi một năm cho DN vận tải chuyển đến. Về thực trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe tuyến cố định, Tổng Cục cho rằng, trong khi chờ xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 86 hiện nay, Bộ GTVT cần có ý kiến với thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân các quận huyện có chiến dịch rà soát từng tụ điểm và xử lý vi phạm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, xe dừng đỗ đón trả khách sai quy định trên địa bàn thành phố. Những vi phạm này hiện nay đang ngang nhiên xảy ra ở nhiều nơi tại thành phố Hà Nội.

Các xe chạy cùng tỉnh phải ở một bến

Đánh giá về lưu lượng hành khách tại hai bến xe gồm Nước Ngầm và Mỹ Đình sau hơn 2 tháng điều chuyển cho thấy, tình hình lưu lượng hành khách cũng như nhu cầu đi lại của người dân tại các bến xe trước và sau điều chuyển có sự thay đổi trên một số tuyến. Cụ thể, theo số liệu khảo sát lượng khách bình quân/chuyến/ngày của các tuyến đi đến 5 tỉnh thì, có 3 tỉnh có lượng khách tăng, gồm tuyến Hà Nội - Thái Bình tăng 11%; tuyến Hà Nội-Nghệ An tăng 13%, tuyến Hà Nội-Hà Tĩnh tăng 8%. Ngược lại, hai tỉnh có lượng khách giảm, gồm tuyến Hà Nội-Nam Định giảm 20%, tuyến Hà Nội-Thanh Hoá giảm 71%.

Là cơ quan được giao khảo sát lưu lượng hành khách sau khi điều chuyển, sắp xếp luồng tuyến tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận, việc điều chuyển đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, trên một số tuyến vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa trước và sau điều chuyển.

Để hài hòa và đảm bảo công bằng công bằng giữa các DN vận tải, Tổng cục Đường bộ cũng đưa ra đề nghị, Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chuyển hợp lý các tuyến giữa bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát theo nguyên tắc mỗi tỉnh chỉ tập trung tại một bến xe để thu hút được luồng hành khách tập trung vào một bến, tạo thuận lợi xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN cùng phục vụ đến tỉnh đó. Nội dung này cần phải thực hiện và hoàn thành trong tháng 3 này.

MỚI - NÓNG