Hành động xấu của hai “đối thủ cạnh tranh” đã phải trả giá khi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng khởi tố vụ án hình sự, ra lệnh bắt khẩn cấp về hành vi hủy hoại tài sản theo điều 143 Bộ luật Hình sự. Dẫu nhiều ý kiến cho rằng những sai phạm, lỗi lầm của từng cá nhân trong việc cần được xem xét thấu đáo trong từng hoàn cảnh với lý do “buôn có bạn, bán có phường”, “chị Xuyến cạnh tranh xấu khi bán giá rẻ hơn”... nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cần nghiêm trị những hành động vi phạm luật, dằn mặt người khác.
Một kết cục nhân văn đang được chờ đợi trong câu chuyện của cá nhân chị Xuyến và vấn đề lớn hơn là “thịt lợn cần giải cứu” dự báo tiếp tục trong những ngày tới. Chuyện “giải cứu lợn” đến nay nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng tựu trung, những lỗ hổng về công tác dự báo thị trường, xây dựng quy hoạch ngành và quản lý chuỗi cung ứng và tình trạng “ăn đong” về mặt chính sách của ngành nông nghiệp và cả ngành công thương vẫn là những vấn đề đáng bàn.
Điệp khúc cứ “hết thương rồi lại giận” trong việc giải cứu nông sản đến nay được nhiều người coi là “chuyện thường ngày” khi cứ dăm bữa, nửa năm lại có một đợt giải cứu nông sản được phát động, từ giải cứu dưa hấu, thanh long, hành tím, chuối, cà chua, đến cả trứng gia cầm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, cộng đồng, người dân đã phải hai lần ra tay giải cứu cho chuối (ở Đồng Nai) và dưa hấu (tiếp tục diễn ra ở Quảng Ngãi).
Không gì đau lòng hơn trước tình trạng nông dân khóc ròng chỉ vì thiếu thông tin thị trường, thiếu sự cảnh báo của cơ quan quản lý, do “dính bẫy” của các thương nhân Trung Quốc... mà phải tự tay đem đổ, chặt bỏ các nông sản do mình dày công chăm bẵm.
Một giải pháp bền vững giúp đất nước, vốn tự hào về các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu, thoát khỏi những vấn đề xuất phát từ việc cung cầu hàng hóa bất ổn đến nay vẫn chưa được bàn và suy tính thấu đáo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù đôn đáo với các đầu việc to, nhỏ cho nước nhà, nhưng dường như đang yếu thế, thậm chí bất lực trước cảnh nhiều loại hàng hóa thuộc lĩnh vực mình phụ trách phải trông chờ “sự thương hại”.
Một nền kinh tế mạnh ai lấy làm, mạnh ngành nào ngành đó lo lĩnh vực mình phụ trách mà không có giải pháp đồng bộ cho một lĩnh vực thì câu chuyện “trăm hoa đua nở” hoặc “trăm dâu đổ đầu tằm” cũng là lẽ thường. Chuyện tranh công nhưng đồng thời cũng đá bóng, đổ tội sang lĩnh vực khác đã từng nhiều lần là câu chuyện được báo chí bàn luận, người dân đàm tiếu khi các “tư lệnh ngành” trả lời chất vấn, biện hộ về những vấn đề được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ.
Việc xây dựng lộ trình bền vững cho nông nghiệp với những nghiên cứu bài bản, hệ thống để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp với giá trị bền vững là việc cấp kỳ. Việc cơ quan quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm với những dự báo về thị trường xuất khẩu, chịu trách nhiệm mở lối, hướng dẫn thị trường là việc cấp thiết và cũng cần quy định rõ với cả ngành nông nghiệp và công thương trong thời gian tới. Chỉ khi đó, việc trông chờ sự giải cứu từ cộng đồng sẽ chấm dứt. Giọt mồ hôi cùng nước mắt của người nông dân mỗi lần nông sản vào thế kẹt khi đó cũng mới ngừng rơi.