Chợ bí ẩn nhất Hà Nội: Ám hiệu khách lạ, bí mật theo dõi

Người lạ vào khu chợ đầu mối tự phát La Khê sẽ bị giám sát chặt chẽ
Người lạ vào khu chợ đầu mối tự phát La Khê sẽ bị giám sát chặt chẽ
Người lạ vào chợ được đánh dấu bằng ám hiệu, luôn được nhân viên “hộ tống” trước - sau, còn tiểu thương đi chợ thì bị khám xét rồi “lưu hồ sơ”,... để nắm bắt được nhất cử nhất động.

Người lạ vào chợ được “hộ tống”

Nằm lọt trong khu đô thị La Khê bên đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc địa bàn tổ 4, phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) là một khu chợ đầu mối - tiểu thương hay gọi là chợ đầu mối La Khê. Hàng nghìn tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại đây. Các mặt hàng chính được tiêu thụ là thủy sản, gia cầm.

Song, điều khác biệt, tại chợ đầu mối này, việc cảnh giới lại cực kỳ nghiêm ngặt. Người lạ vào chợ sẽ bị “tước quyền tự do” theo như những gì mà PV được tiểu thương rỉ tai từ trước đó.

Tò mò về khu chợ La Khê này, 3h sáng chúng tôi có mặt ở đây trong vai người dân tới chợ để mua cá về ăn. Nhưng mới dừng xe máy tại cổng chợ số 1 đã thấy những ánh mắt dò xét của mấy người - được dân buôn gọi là nhân viên bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ trông giữ xe cho các tiểu thương.

Ngay sau đó, một người tiến tới không cần hỏi han gì, chỉ lấy phấn đánh dấu khoanh tròn to trên xe máy của PV, không cần ghi và đưa vé xe giống như các tiểu thương khác rồi lập tức rút điện thoại ra gọi cho một ai đó. Người này chỉ nói: “Hai người đi xe Jupiter đen”.

Ngay sau cú điện thoại, PV bắt đầu được hai người đàn ông (một người tầm 25 tuổi, người kia khoảng 40 tuổi) đi theo từng bước để “hộ tống” khi PV đi thăm quan khắp khu chợ.

Đặc biệt, khi rẽ vào hàng bán cua, PV rút điện thoại ra chụp ảnh, lập tức một nhân viên đi theo từ nãy giờ tiến tới nói: “Xin phép, chợ này không được chụp ảnh, ghi hình”.

Đến lúc ghé vào quán nước trà đá ngay bên trong chợ ngồi, chưa kịp hỏi PV uống nước gì, chủ hàng đã rút điện thoại ra, bấm bấm gì đó vào màn hình và đặt lên bàn trước mặt PV, trong đó có ghi mấy dòng chữ không dấu: “Anh chị đang được nhân viên bảo vệ của chợ 'hộ tống', đừng dại gì mà ghi hình, chụp ảnh, không sẽ bị tống cổ ra ngoài. Luật của chợ này là thế”.

Một tiểu thương tên Phượng có thâm niên buôn bán cá ở khu chợ đầu mối tự phát La Khê này rỉ tai: “Khu chợ này tự phát nên không muốn ai nhòm ngó đến. Người lạ vào chợ sẽ được cho là những đối tượng đặc biệt, cần phải theo dõi sát sao nhất cử nhất động từ khi bước chân vào đến khi bước chân ra khỏi chợ. Đặc biệt, cấm mọi hoạt động quay phim, chụp ảnh”.

Quả đúng như những gì tiểu thương rỉ tai, khi ra tới khu vực để xe máy của mình, PV không những được 2 người “hộ tống” trước đó đến “hỏi thăm” mà còn thêm hai người nữa tới yêu cầu cho xem điện thoại để kiểm tra dữ liệu xem có lưu trữ ảnh và video chụp, ghi hình tại chợ hay không.

Sau khi kiểm tra thấy một bức ảnh được chụp tại khu vực bán cá, một người trong nhóm “hộ tống” lập tức xóa bức ảnh đó và gửi trả lại máy cho PV.

Chợ bí ẩn nhất Hà Nội: Ám hiệu khách lạ, bí mật theo dõi ảnh 1 Dân buôn, tiểu thương mới ra vào buôn bán tại chợ này cũng bị kiểm soát, lưu hồ sơ cá nhân

Khám xét cả tiểu thương mới

Không chỉ người lạ, đối với những tiểu thương các chợ lẻ đến khu chợ La Khê lấy hàng về bán cũng bị khám xét, lưu đặc điểm vào hồ sơ để nhận dạng giống như hồ sơ của cá nhân được công an lưu lại.

Bà Hồng, chuyên đi lấy hàng tại chợ đầu mối này về chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên bà đến chợ này lấy cá, vào cổng chợ bị nhân viên bảo vệ bắt bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, bỏ khẩu trang, khám xét luôn chiếc thùng buộc đằng sau yên xe máy để đựng hàng. Việc này khiến bà run như cầy sấy, mặc dù đã có một người khác là tiểu thương có kinh nghiệm và đã quen mặt tại chợ, đi cùng để bảo kê.

“Họ làm như vậy liên tiếp mấy ngày để đảm bảo mình không phải kẻ gian đột nhập với mục đích phá hoại chợ”. Bà Hồng nói và cho biết, sau đó một tuần thì họ bắt đầu tin tưởng. Bà tìm hiểu và biết rằng, bảo vệ chợ làm như vậy để nhớ mặt các tiểu thương, đồng thời, nhớ được đặc điểm của mỗi người để kiểm soát tốt hơn, tránh nhầm lẫn với những người lạ vào chợ mua hàng.

Bảo vệ nơi đây còn có “lưu hồ sơ” của từng dân buôn, tiểu thương chợ lẻ đến lấy hàng vào trong đầu họ. Theo đó, ai buôn bán mặt hàng gì, đi xe máy loại nào, màu gì, giờ giấc tới chợ lấy hàng họ đều thuộc và nắm trong lòng bàn tay.

Không chỉ có vậy, bảo vệ tại khu chợ còn yêu cầu những dân buôn và tiểu thương chợ lẻ đến mua bán cá phải theo dõi nhất cử nhất động của những đối tượng lạ khi vào chợ. Nếu phát hiện thấy người lạ với những hành động lạ, trái với nội quy của chợ đều báo lại cho ban quản lý.

“Do đó, nên mỗi khi người lạ vào khu chợ này thì ngay lập tức có hàng ngàn tai mắt theo dõi, giám sát từng bức chân chứ không đơn giản chỉ là chuyện khám xét tại cổng chợ đâu”, bà Hồng tiết lộ.

Cũng theo bà Hồng, nhờ có tai mắt vậy mà từ khi đi chợ này lấy cá về bán, bà chưa bao giờ thấy một chuyện bất thường nào xảy ra như chuyện trộm cắp, chuyện đánh nhau hay cãi vã. Bởi nếu xảy ra tình trạng đó, quản lý chợ sẽ xử theo quy định chứ không bao giờ có chuyện chỉ cảnh cáo nhẹ nhàng.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.