Chiếc khăn rằn - biểu tượng đầy ý nghĩa tại Tiền Phong Marathon 2022

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiếc khăn rằn sẽ là vật phẩm đặc biệt trong bộ racekit của Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm 2022 (Tiền Phong Marathon 2022). Với những chiếc khăn gắn bó với nhiều thế hệ tiền nhân anh dũng đã quên thân mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, các vận động viên (VĐV) tham dự Tiền Phong Marathon 2022 thêm một lần được sống trong ký ức hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tháng ba năm nay, Tiền Phong Marathon 2022 sẽ đưa các VĐV vươn khơi xa, đến với quần đảo linh thiêng và huyền thoại ở phía nam Tổ quốc - Côn Đảo - nơi ghi dấu những trang sử oai hùng của dân tộc trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc.

Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Bảo tàng Côn Đảo, Cầu tàu 914.... tại Côn Đảo là nơi ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc; sự kiên cường, hiên ngang nhưng đầy hào hùng, thấm đẫm giá trị nhân văn của bao thế hệ tiền nhân đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này.

Chiếc khăn rằn - biểu tượng đầy ý nghĩa tại Tiền Phong Marathon 2022 ảnh 1

Những chiếc khăn rằn sẽ đồng hành cùng các vận động viên tại Tiền Phong Marathon 2022

Đến với Tiền Phong Marathon 2022, không chỉ được tham dự ngày hội chạy bộ lớn nhất đất nước, các VĐV sẽ được cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam, thông qua chuỗi các hoạt động tri ân những tấm gương anh hùng cách mạng, các bác, các cô chú cựu từ Côn Đảo hiện đang sinh sống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với mong muốn các VĐV có được những trải nghiệm và ký ức đẹp nhất về Côn Đảo, Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2022 đã đưa chiếc khăn rằn vào bộ racekit, với mong muốn cùng các VĐV trên hành trình tại Côn Đảo sắp tới.

Chiếc khăn rằn gần gũi, yêu thương, luôn cùng các các má, các chị, các “o du kích”… mở đường, phá bom, từ căn cứ ra chiến trường; là món quà mẹ tặng tiễn chồng, con ra chiến khu; là kỷ vật thân thiết mà các đồng đội gửi tặng cho nhau bên chiến hào, là lời hẹn ước, kể cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười.

Chiếc khăn rằn là hình ảnh thân thương gắn bó với đời sống của người dân Nam bộ chất phác, hồn hậu, cần cù, chịu khó. Và những chiếc khăn rằn đã kiên cường đồng hành cùng các chiến sĩ giải phóng quân trên khắp các nẻo đường hành quân diệt thù, bảo vệ Tổ quốc: Khăn che mưa, che nắng, thắm giọt mồ hôi, gói đựng ít đồ dùng cá nhân, băng bó vết thương, khăn như lời động viên tiếp thêm sức mạnh lập bao chiến công vang dội.

Tại Tiền Phong Marathon 2022, chiếc khăn rằn sẽ kết nối mỗi bước chạy của VĐV, để ngược thời gian “Theo dấu chân huyền thoại”, để thấu hiểu và trân quý những giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh hàng nghìn VĐV với khăn rằn, chạy dưới rừng cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển khơi sẽ là hình ảnh thiêng liêng, đáng nhớ nhất không chỉ ở Tiền Phong Marathon, mà còn với bất cứ giải chạy nào ở Việt Nam.

Hình ảnh hàng nghìn VĐV với khăn rằn, chạy dưới rừng cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển khơi sẽ là hình ảnh thiêng liêng, đáng nhớ nhất không chỉ ở Tiền Phong Marathon, mà còn với bất cứ giải chạy nào ở Việt Nam.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2022 chia sẻ: "Tiền Phong Marathon 2022 là một trong những lần tổ chức đặc biệt nhất. Trong những lần đặc biệt trước đây, có lần chạy ở đê sông Đáy, đang chạy thì bị ném bom. Có lần chạy ở Lý Sơn, chạy vì biển đảo của đất nước, hay giải chạy ở Gia Lai. Nhưng ở Côn Đảo thì đặc biệt hơn nữa".

Chiếc khăn rằn - biểu tượng đầy ý nghĩa tại Tiền Phong Marathon 2022 ảnh 2

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2022

Nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết: Côn Đảo trước đây được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi Pháp, Mỹ, chính quyền Sài Gòn thiết lập nhà tù trong hơn 100 năm, giam giữ những người yêu nước, những nhà hoạt động cách mạng của nước ta. Có khoảng 20.000 người hy sinh trên đảo, trong đó hiện nay chỉ còn khoảng 2.000 ngôi mộ và chỉ có khoảng 800 ngôi mộ có tên. Những tấm gương hy sinh đó đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, nhiều người cho rằng rất khó khăn để đưa giải đấu ra được Côn Đảo, nhưng Ban tổ chức quyết tâm đưa ra Côn Đảo bằng được, bởi trước hết nó là một sự kiện thể thao, nhưng nó cũng là dịp để ôn lại truyền thống đau thương nhưng oanh liệt của tiền nhân, khơi dậy tinh thần yêu nước trong giới trẻ hiện nay, góp phần vào sự phát triển của Côn Đảo, đặc biệt là quảng bá du lịch, vận động bảo tồn, phát triển hệ sinh thái nơi đây.

MỚI - NÓNG