1/Năm 1998 ở một liên hoan sân khấu toàn quốc tại thành phố Huế, nhà phê bình- nhà văn Ngô Thảo sếp Hội Sân khấu, lúc giới thiệu bàn phóng viên, đùa đùa “Nhà báo mặc cái áo mỏng mỏng cổ trễ trễ, con gái tôi”. Tôi nhăn nhó “Thật đúng là người cha thô bạo!”.
Kim Anh bạn thân tôi từ thuở lớp 2. Có lần tôi hỏi “Nhớ Anh Dũng ngày xưa đóng Người cha thô bạo không”, chả thèm đáp mà hát luôn “Có một chú quạ già/Một mình đi la cà...”- câu mà nhân vật họa sĩ do Anh Dũng thủ vai vừa gảy guitar vừa hát cùng người yêu- Tania do Thu Hà đóng, làm thành hình ảnh rất đáng yêu trong Người cha thô bạo, kịch Liên-xô thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Fan một thời là thế đấy. Đang sinh hoạt trong bối cảnh sân khấu thì ngôn ngữ cũng phải rất sân khấu, vở nọ vở kia, đào nọ kép kia. Nhắc tên ai là nhớ ngay vai để đời vở khét tiếng của họ, không lẫn với ai khác.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khán giả sân khấu Hà Nội ai mà không biết Anh Dũng. Thế Anh trông lạ nhưng đẹp trai ngời ngời phải là Anh Dũng! Cùng Nhà hát Kịch Trung ương (Việt Nam) có Hà Văn Trọng cũng đẹp nhưng kiểu chân phương. Đoàn Dũng đóng người cha thô bạo thì nhất, nhưng ai tính ngoại hình. Chí Trung hồi đó không như bây giờ, đóng Roméo sáng trưng sân khấu song hình thể thua Anh Dũng. Anh Tú cũng vậy. Bên Nhà hát Kịch Hà Nội có Trần Vân rất duyên, và không đẹp bằng. Mái tóc quăn, đường nét chưa hẳn hoàn hảo với răng chín sáu ba không và đầu mũi hơi tròn song hợp lại thì hài hòa tuyệt đối, đó là Anh Dũng.
Nhiều diễn viên sân khấu, điện ảnh hồi đó ngoại hình không tồi nhưng ranh giới giữa quê và tỉnh là rất mong manh. Với Anh Dũng, không có cách gì khiến anh “quê” bớt, một vẻ điển trai Hà thành “đại biểu”. Cũng như Nguyệt Ánh đoàn anh, được diễn viên Trần Quang nổi tiếng của miền Nam yêu và dùng từ cổ- “sang cả” để miêu tả.
Uy tín của một nghệ sĩ hàng đầu đã đưa Anh Dũng lần lượt đến chức trưởng đoàn, phó giám đốc rồi giám đốc nhà hát “Anh cả đỏ”, để rồi ngã ngựa ở tuổi 57 và ra đi ở tuổi 64, sau hàng loạt cú sốc và mấy lần tai biến. Đang chờ được phong NSND đợt mới. Giá anh chỉ làm kép đẹp, người tài của sân khấu, người trong mộng của nhiều thiếu nữ Hà thành một thuở.
Không phải ai cũng đóng được kịch Tây còn Anh Dũng là lựa chọn số 1 cho thể loại này: Tập nhật ký bỏ quên, Người mẹ trước vành móng ngựa, Ả ca-ve ở nhà hàng Maxim... Đóng dân nông thôn như Ốc trong Nghêu sò ốc hến hay anh con trai cả trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, anh cũng không hề chất phác thật thà như nhiều báo đã tưởng, mà đầy láu lỉnh tinh khôn, biến hóa, khiến nhân vật có vẻ đẹp cá tính đặc biệt. “Nhạt” không bao giờ có trong từ điển diễn xuất của Anh Dũng.
Anh cũng hợp những vai đểu đểu, bội phản bội ước, diễn xuất được hậu thuẫn bởi hàng ria mép và đôi môi mỏng rất nét, vẻ hào hoa kiểu “sát thủ”. Nên mới lọt mắt xanh chẳng hạn của đạo diễn Đặng Nhật Minh để vào vai điện ảnh Thu, một chiến sĩ hoạt động nội thành dũng cảm được Nguyệt- Cô gái trên sông cứu mạng và yêu thương; tính cách từng hay ho nhưng đến khi “có giây phút bình yên” là quên ngay ân nhân, quên thời gian khó.
Một vai tương tự không có bối cảnh chiến tranh nhưng cũng lột tả được loại người cơ hội cầu an, khó ai hợp hơn Anh Dũng: Vở Ngôi nhà trên cát dựa theo truyện ngắn cùng tên của Dương Thu Hương, anh đóng cặp diễn viên Minh Liên, phát đi phát lại trên truyền hình thập kỷ 80.
Hồi đó cứ đến tối thứ Bảy, bật ti vi là thấy Anh Dũng trong hầu hết các vở kịch. Kịch an ninh thì hay có Hoài Linh một kép có đôi mắt một mí, giọng nói cũng dễ nhớ. “Phở mậu dịch kịch tivi” nhưng thường thì cứ thấy Anh Dũng là tương đối yên tâm, sẽ không đến nỗi nào. Phía diễn viên nữ, Hương “Quắm” tức Lan Hương cùng Nhà hát với Anh Dũng chiếm toàn vai quan trọng.
NSƯT Thu Hà người đóng cặp Anh Dũng ngay từ những vở đầu tiên trong sự nghiệp của hai người- Trăn trở cho đến sau này: Người cha thô bạo, Người mẹ trước vành móng ngựa..., nhớ lại: “Lần đầu gặp ở Nhà hát, anh Dũng đi guốc mộc mặc áo thô trông ngang tàng lắm. Vai thì đa dạng, đóng từ chính ủy cho đến phản diện, bi hài đều sâu sắc. Diễn vai quê mùa vẫn đầy văn hóa, vai kẻ vô học thì nhìn ra nhân vật như vậy còn diễn viên, đầy văn hóa. Ngoại hình đẹp, giọng nói đẹp”. “Nhất chưa?” “Nhất chứ còn gì nữa! Miền Nam thì về ngoại hình không nói, về tài may ra có Thành Lộc đối trọng. Thương Tín chỉ hay trên phim chứ kịch không thể bằng. Cả tài lẫn sắc, sân khấu không có người thay thế, kể cả thế hệ hiện nay”.
2/Fan một thời sẽ không khi nào bỏ sót vở kịch hay mới công chiếu, và nhân sự của nó. Như Hồ Anh Thái nhà văn, xem chán rồi say sưa viết về đài từ của Tuệ Minh- vở Cách mạng, hay Ngọc Hiền- vở Âm mưu và tình yêu... Bao giờ cũng đến rạp trước lúc chuông reo ít nhất 15 phút, ghét ai lò dò vào rạp khi đèn đã tắt, cọ chân vào đầu gối người đến sớm. Hồn Trương Ba da hàng thịt du diễn ở Mỹ, anh Thái đang thỉnh giảng ở đó, vừa chịu khó xem đến lần thứ mấy, vừa kiếm vé tặng dân bản xứ và không quên viết bài kể Trọng Khôi, Phạm Bằng, Lan Hương... đã làm dân Seattle “không ngủ ở Seattle” thế nào.
Fan là thế còn nghệ sĩ được ái mộ phải là người đã xuất hiện là khiến người ta nhớ mãi, tơ tưởng mãi: Gánh xiếc đi qua chỉ một lần/Bây giờ có lẽ đã chia tan/Và nàng cưỡi ngựa đâu rồi nhỉ/Ngơ ngác chàng trai tự hỏi thầm (thơ Huy Cận).
Đầu thập kỷ 90 tôi đến ngôi nhà ven sông Hồng của Anh Dũng- Phương Thanh. Chị hào hứng nhắc Kỷ niệm đồi trăng phim của đạo diễn Hà Văn Trọng, là kỷ niệm “chằng đôi” Anh Dũng và Phương Thanh với nhau. Hồi đó, thấy mừng cho Phương Thanh cập bờ hạnh phúc sau sóng gió yêu đương thời trẻ. Mừng cho chị trong đời có được hai người đàn ông tài giỏi đẹp đẽ nhất hai miền đất nước. Người ở phía Nam, không phải đẹp nhất miền Nam nữa mà nhất Việt Nam luôn! Vợ của nghệ sĩ lớn này về sau cũng đủ bình tĩnh để công khai nhắc chuyện trên báo chí, nhất là khi Phương Thanh đã qua đời.
Năm kia, Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ, cơ quan cũ mời Anh Dũng vào vai Trương Ba thay NSND Trọng Khôi quá cố. Đạo diễn chính là Tú Mai chị ruột anh. Nhưng trí nhớ của Anh Dũng đã phản lại anh, dù cố gắng anh không thể thuộc thoại, đành bỏ cuộc. Nhiều người nói, về cuối đời Anh Dũng có ngoại hình không liên quan thời trẻ, già sọm, tiều tụy, tinh thần u uất. Nhìn các phóng viên trẻ hăm hở xoáy ống kính vào Xuân Bắc đang ngồi ghi sổ tang hôm nay, tôi nghĩ chắc họ không thể hiểu fan một thời của sân khấu là thế nào. Fan một thời, đó là người càng đi nhiều đám tang nghệ sĩ càng thấy tài năng, sắc đẹp là hiếm lắm. Người làm nghề đông đấy nhưng đọng lại trong khán giả, đọng mấy chục năm, không bao nhiêu. Và fan còn muốn, đã là nghệ sĩ cỡ lớn thì cần nhất giữ được sự thanh xuân của nghề nghiệp, của tâm hồn, đâu cần kiêm nghề quan chức không hề sở trường.