Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị APEC
Văn kiện Mỹ - Trung về hợp tác giảm khí thải được Tổng thống Obama và phe Dân chủ ca ngợi là một “thỏa thuận lịch sử”, đánh dấu bước đột phá hợp tác của hai quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cũng chính từ “thỏa thuận lịch sử” này, ông Obama đã hứng vô số những lời chỉ trích, đặc biệt là từ đảng Cộng hòa. Theo nội dung thỏa thuận, trong khi Mỹ đưa ra mục tiêu rõ ràng giảm 26-28% lượng khí thải vào năm 2025 so với mức của năm 2005 thì Trung Quốc lại không đưa ra một con số cụ thể nào mà thay vào đó chỉ cam kết khí thải của Trung Quốc sẽ ngừng tăng vào năm 2030 hoặc sớm hơn nếu có thể. Điều này đã khiến phe Cộng hòa chỉ trích Tổng thống ký một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc nhưng lại gây thiệt hại nặng nề đối với kinh tế Mỹ.
Thực thi một chuyến đi trong bối cảnh quyền lực bị thu hẹp sau thất bại trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, thỏa thuận khí hậu bất ngờ của Tổng thống Obama với Trung Quốc được đánh giá là nhằm chứng minh ông vẫn là nhà lãnh đạo Mỹ, vẫn có đầy đủ sức mạnh hành pháp của người đứng đầu cường quốc số một thế giới
Tuy nhiên, việc ký một thỏa thuận được coi là “khá nhân nhượng” đối với đối thủ truyền thống của Mỹ tại các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu dường như đã khiến cho thế giới cảm giác Tổng thống Obama đã nhượng bộ quá nhiều trong khi Bắc Kinh rõ ràng không bị ràng buộc bởi bất cứ một mục tiêu cụ thể nào.
Một trong những điểm đáng lưu ý là thỏa thuận khí hậu Mỹ - Trung không mang tính ràng buộc, không cần Quốc hội phê chuẩn. Điều này có nghĩa là mặc dù đã được ký kết song văn kiện này hoàn toàn có nguy cơ không được cả hai đối tác tôn trọng. Nói cách khác thỏa thuận khí hậu Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ chỉ là văn kiện mang tính danh nghĩa nhiều hơn là thực tế.
Tổng thống Obama muốn thực hiện mục tiêu không thể nói ra, đó là tận dụng cơ hội để nhắc nhở rằng ông vẫn là nhà lãnh đạo số một thế giới. Tuy nhiên, với thỏa thuận khí hậu mà giới phân tích nhận định là “quá mềm mỏng” đối với Bắc Kinh, uy tín của ông Obama cũng bị lung lay ít nhiều dù nó chỉ là văn kiện mang tính danh nghĩa.