Chị Hậu - người của bạn đọc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Bích Hậu được mời ở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc. Sau này, trong một bài viết về nhà báo Bích Hậu, nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhận xét: “Phải chăng, chị là người làm tốt nhất công tác bạn đọc mà tôi được biết”.

Bén duyên với Tiền Phong

Gần ba chục năm trước, khi mới về báo Tiền Phong làm việc, thỉnh thoảng tôi lại vào Ban Bạn đọc để tìm hiểu thêm về công việc làm báo và gặp nhà báo Bích Hậu tại đây. Lúc này nhà báo Bích Hậu đã nghỉ hưu và được mời ở lại cơ quan làm việc. Dù đáng tuổi bác, tuổi cô, nhưng nhà báo Bích Hậu xưng chị với tôi. Với cánh phóng viên (PV) trẻ cùng lứa với tôi khi ấy, nhà báo Bích Hậu quen xưng hô thân mật, tươi trẻ như vậy.

Chị Hậu - người của bạn đọc ảnh 1

Hoa hậu báo Tiền Phong năm 2004 Nguyễn Thị Huyền thân thiết bên nhà báo Bích Hậu sau khi đăng quang. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Có dịp nói chuyện lâu với nhà báo Bích Hậu, tôi được biết cả đời công tác, bà chỉ gắn bó với Tiền Phong. Bà kể, năm 1959, khi Trung ương Đoàn tổ chức xây dựng tuyến đường chiến lược 12B tại tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Bích Hậu gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tham gia làm tuyến đường này. Tại đây, thỉnh thoảng Bích Hậu viết tin, bài về hoạt động của công trường thanh niên này gửi báo Tiền Phong. Nhưng tin, bài gửi nhiều lần mà không được đăng. Rồi một ngày được nghỉ, Bích Hậu về tòa soạn gặp ông Lê Xuân Đồng, Tổng Biên tập (TBT) báo Tiền Phong khi đó, và nói: “Tôi từ Hòa Bình về đây chỉ để hỏi tại sao tin, bài tôi gửi nếu không được đăng mà chẳng lần nào được hồi âm?”. TBT Lê Xuân Đồng mời Bích Hậu uống nước, hỏi chuyện rồi xin lỗi về sự sơ suất này của báo, và hỏi: “Về lần này, chị có tin bài mới nào không?”. Lúc này Bích Hậu, ngập ngừng lấy ra bài mới gửi báo. Bài viết sau đó được đăng và Bích Hậu trở thành cộng tác viên đóng góp tin bài thường xuyên cho Tiền Phong từ đó.

Chị Hậu - người của bạn đọc ảnh 2

Nhà báo Bích Hậu khi làm việc tại Ban Bạn đọc báo Tiền Phong. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Đầu năm 1960, khi tuyến đường 12B hoàn thành, Bích Hậu là một trong những TNXP ưu tú được tuyên dương. Ngay sau đó, cựu TNXP Bích Hậu nhận quyết định của Trung ương Đoàn về làm việc tại báo Tiền Phong.

Nhà báo Bích Hậu về báo khi Tiền Phong được 7 năm thành lập, nay đã là 70 năm. Nay gần 90 tuổi, nhà báo Bích Hậu là một trong số phóng viên thế hệ đầu của Tiền Phong được chứng kiến tờ báo chạm mốc 70 năm ngày ra số báo đầu tiên (16/11/1953 – 16/11/2023).

Về Tiền Phong, Bích Hậu là một trong những PV rất tích cực đi công tác. Không ít chuyến đi đã để lại cho bà những kỷ niệm đáng nhớ. Năm 1967, bà cùng nhà báo Sơn Tùng (tác giả tiểu thuyết Búp Sen xanh - PV) được phân công lên Lũng Cú (Hà Giang) phản ánh về việc phòng chống ma túy, phá bỏ cây thuốc phiện tại đây. Vừa tới nơi, hai PV bị một thanh niên địa phương tưởng là kẻ gian đến dò xét nên đã bắt trói. Khi được dẫn về gặp trưởng bản, tất cả vỡ lẽ do thanh niên này không biết chữ, không đọc được nội dung trong giấy giới thiệu của PV nên mới hiểu lầm. Trong quá trình công tác tại đây, bên cạnh công việc chính, PV Sơn Tùng và Bích Hậu còn động viên người dân tổ chức dạy chữ và học chữ. “Sự việc bẵng đi một thời gian, một hôm ở toà soạn tôi nhận được bức thư gửi cho mình. Mở xem, tôi bất ngờ khi người viết chính là người thanh niên trước đây từng trói tay mình. Bức thư ngắn, nét chữ còn xiêu vẹo, người thanh niên này cho biết sau lần đó đã cố gắng học chữ, để nay có thể viết thư xin lỗi về việc làm của mình trước đây”, nhà báo Bích Hậu kể lại.

Tận tâm trong công việc

Làm công tác bạn đọc như “dâu trăm họ”, nhà báo Bích Hậu không nề hà điều gì, kể cả những việc mà thoạt nhìn, nếu không có sự tận tâm rất có thể coi đó là chuyện… “giời ơi”. Có lần một bạn đọc ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) viết thư gửi Tiền Phong cho biết, chồng chị là thợ quét vôi nói lên Hà Nội làm việc đã gần một năm mà không về nhà. Chuyện chỉ có vậy, nhưng nhà báo Bích Hậu đã về tận quê bạn đọc này để tìm hiểu sự việc. Sau khi có chút manh mối, PV Bích Hậu dò tìm và biết người chồng này đã chuyển đến một công trường xây dựng tại Điện Biên đã lâu. Biết được địa chỉ nơi này, PV Bích Hậu xin phép được lên Điện Biên. Khi đó, TBT báo Tiền Phong Đinh Văn Nam ngần ngại: “Chị mới sinh con, đi vậy có quá sức không?”. Nhưng trước quyết tâm của PV, ông đã đồng ý. Nhà báo Bích Hậu lên Điện Biên, sau một thời gian vất vả đã tìm được người chồng kia. Hoá ra khi lên đây, anh này quen người phụ nữ khác và có ý bỏ vợ con ở quê. Sự việc vỡ lở, người chồng bị lãnh đạo công trường xem xét đuổi việc. Nhưng với góp ý của PV Bích Hậu và sau đó là buổi làm việc trực tiếp của TBT Đinh Văn Nam, lãnh đạo công trường đã cảnh cáo nhân viên của mình, để anh này có cơ hội sửa sai, trở về với vợ con.

Chị Hậu - người của bạn đọc ảnh 3

Nhà báo Bích Hậu trong lần thăm lại đảo Cồn Cỏ. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Lần khác, báo Tiền Phong nhận được đơn của nhiều cựu TNXP tại một huyện miền núi phía Tây Nghệ An giãi bày về việc họ lỡ thì, không có chồng nhưng có con nên chịu nhiều điều tiếng, thiệt thòi. Từng là TNXP, nhà báo Bích Hậu thấu hiểu chuyện này nên xin phép Ban Biên tập đi giải quyết đơn. Trong thời gian dài, nữ nhà báo liên tục qua lại địa phương công tác, và những bài báo về sự việc trên liên tục được Tiền Phong đăng tải. Cuối cùng, nhờ sự tận tâm, có tình có lý của mình, nhà báo Bích Hậu đã bảo vệ được quyền làm mẹ và chế độ chính sách cho hàng chục cựu TNXP tại Nghệ An.

Nói về sự xông xáo của nhà báo Bích Hậu, có thể kể việc bà đã đến những vùng đất hiểm nguy trong chiến tranh. Một dịp, PV Bích Hậu đề xuất với Ban Biên tập vào miền Trung công tác. Vừa đi đường vừa tránh máy bay địch, PV Bích Hậu lần lượt vượt qua những địa danh bị địch ném bom dữ dội như đường Bò Lăn (Thanh Hoá), Cầu Bùng (Nghệ An), nông trường Cờ Đỏ (Quảng Bình). Tại nông trường Cờ Đỏ, PV Bích Hậu đưa tin sốt rẻo về tự vệ nông trường bắn rơi máy bay Mỹ. Tiếp đó, PV đi nhờ xe quân sự để tới vùng đất lửa Quảng Trị, rồi vào địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) viết bài về cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân nơi đây. Cũng tại đây, nhà báo Bích Hậu đã cùng các đoàn viên của Chi đoàn thôn Vịnh Mốc (xã Kim Thạch, Vĩnh Linh) mang lương thực và nước uống tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Với kỷ niệm đáng nhớ trên, năm 2008, nhà báo Bích Hậu được các cựu chiến binh của Trung đoàn 270, đơn vị Anh hùng bảo vệ đảo Cồn Cỏ năm xưa mời thăm lại nơi này.

Sau chuyến đi miền Trung, nhà báo Bích Hậu lại tận tuỵ với công tác bạn đọc. Bên cạnh việc viết bài theo đơn thư, những chuyên mục như “Kết bạn” do bà đảm trách đã trở thành cầu nối giúp cho nhiều đôi lứa nên duyên. Trong những cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong (nay là hoa hậu Việt Nam), với sự chu đáo, tận tụy của mình trong công tác thí sinh, nhà báo Bích Hậu thường được nhiều lứa thí sinh trong các cuộc thi trìu mến gọi là má Hậu…

…Nhiều năm qua, mỗi khi có việc đến tòa soạn, nhà báo Bích Hậu lại gõ cửa Ban Bạn đọc và Công tác xã hội để hỏi thăm mọi người. Không ít lần tạt qua như thế vì muốn để mọi người còn làm việc, bà lại mang cho Ban gói lạc tự rang, hoặc ít cá khô mang từ quê nhà Nghệ An ra. Bà vẫn chu đáo, hồn hậu như thế, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống.

MỚI - NÓNG