Nhà văn Hoàng Ngọc Hà.
Vài năm rồi, chị đã bước vào tuổi tám mươi. Thế mà tưởng như mới ngày nào, khi chị là giám đốc nhà xuất bản Hà Nội, Hoàng Ngọc Hà tươi tắn nhanh nhẹn hòa nhập giữa cánh nhà văn của nhiều thế hệ. Không dễ gì làm bạn và hòa hợp như thế. Đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX, chị Hà tổ chức một cuộc thi viết về Hà Nội, tổ chức rầm rộ, hưởng ứng nồng nhiệt, kết quả là nhiều cuốn sách về Hà Nội ra đời, đến nay nhiều cuốn vẫn còn đọc được. Cứ coi là tôi đã biết chị Hà sớm hơn thế nhiều. Từ năm 1980, tôi đọc cuốn Nhật ký cán bộ đoàn, tên tác giả còn lạ: Hoàng Ngọc Hà. Không phải sách sáng tác, những chuyện kể trong ấy là người thật việc thật, chuyện diễn ra hàng ngày ở trường đại học, những công việc đoàn thể, những phong trào, mỗi người một ý kiến mỗi người một việc. Thời ấy tôi cũng đang là sinh viên đại học, cũng đang làm công tác đoàn. Đọc sách mà nghĩ, không biết cái cô Hoàng Ngọc Hà này đang làm bí thư đoàn ở trường nào. Cái cô này. Vì giọng văn là của một cô sinh viên điềm đạm thùy mị. Phải mười lăm năm sau tôi mới gặp chị Hà, mới biết cuốn sách ấy ra đời khi chị đã ngoại tứ tuần, đang là trưởng ban Cán sự đại học của Thành đoàn Hà Nội. Công tác đoàn và phụ trách ban Dân vận của Thành ủy sau đó cũng giúp cây bút Hoàng Ngọc Hà quen tay viết tiếp mấy cuốn sách nữa cùng loại.
Có thể mấy cuốn người thật việc thật ấy khiến cho người ta điều chị sang làm giám đốc nhà xuất bản Hà Nội từ năm 1989. Tưng bừng nhà xuất bản ăn nên làm ra như đã kể ở trên. Có lần tôi đến nhà xuất bản ở số 4 Tống Duy Tân, cô bạn là nhà biên tập Châu Minh chỉ cây đa trong sân bảo: Cây này là cây đa, nhưng từ hồi chị Hà về làm giám đốc, nó hóa thành cây si. Thì ra có mấy ông bạn văn bạn thơ hay đến chơi và “trồng cây si” trước bà giám đốc. Mấy năm sau đó, bên hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội có trục trặc về quản lý, ông nhà thơ tưởng khéo nói khéo bình tán mà hóa ra lại xử thế đến mức gây bất bình trong toàn bộ cơ quan và bị tẩy chay đến mức gay gắt. Chị Hà được điều về, một kiểu lính cứu hỏa chữa cháy. Đúng là lính cứu hỏa, đầy mình kinh nghiệm làm quản lý, biết dùng thủy trị hỏa. Hội hè dần dần trở lại bình yên, không yên hẳn như mọi hội hè đều thế, nhưng cũng dọn dẹp được môi trường để tiếp tục hoạt động. Công việc ở nhà xuất bản Hà Nội, sau đó ở hội Liên hiệp, dần dần đẩy chị đến chỗ cầm bút sáng tác. Trong vòng mười lăm năm, chị xuất bản liền hơn mười tiểu thuyết và tập truyện ngắn, những cái tên nghe đúng kiểu văn chương phụ nữ: Chuyện tình người mẹ, Hoàng hôn buồn, Lệ đắng, Nắng lạnh, Hoa nước mắt, Tia nắng mong manh, Nỗi buồn lặng im, Người đẹp…
Có một giai thoại trong hội Nhà văn Hà Nội chúng tôi: năm 2005, bà phó tổng thư ký hội là Hoàng Ngọc Hà đem tập truyện ngắn Người đẹp đi tặng bạn bè, cùng lúc ông cựu phó tổng thư ký Vũ Bão cũng đem tặng tập Hiệp sĩ. Bà già sáu chín tuổi thì Người đẹp, ông già bảy mươi tư thì Hiệp sĩ. Sức trẻ của cánh nhà văn hình như cũng dai bền.
Ở trên tôi nói đến tính phụ nữ trong văn Hoàng Ngọc Hà không hàm ý phong trào nữ quyền trên thế giới, dẫn đến một dòng văn chương phụ nữ ào ạt tràn qua rất nhiều nền văn học, cuốn vào đó những cô bán hàng những bà nội trợ cũng quay ra viết văn. Văn Hoàng Ngọc Hà dường như hướng đến đối tượng người đọc là nữ và các bé gái. Bà cô ruột tôi, cỡ hơn chị Hà dăm ba tuổi, năm nay cũng đã gần chín mươi, mỗi lần gặp tôi đều hỏi có cuốn tiểu thuyết mới nào của Hoàng Ngọc Hà thì đưa cô đọc. Bà không biết Hoàng Ngọc Hà nhưng đọc say sưa và mừng với mỗi cuốn sách mới của nữ nhà văn này. Cô con gái mười lăm tuổi của một chị nhà văn cũng chỉ thích đọc truyện của bác Hoàng Ngọc Hà. Cánh người đọc này tìm thấy trong những câu chuyện giản dị có phần melo ấy sự gần gũi thiết thân mà họ có thể chia sẻ được. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết Nắng lạnh và Tia nắng mong manh đã được nữ đạo diễn Bạch Diệp dựng thành phim truyền hình nhiều tập, nghe đâu phim cũng cuốn hút được khá nhiều người xem.
Nữ nhà văn ở cái thời bút lực sung sức nhất luôn có một nụ cười rất tươi. Cái cười cho ấn tượng đấy là người sướng, nhưng thực ra cuộc đời lại rất nhiều truân chuyên. Quê gốc Nghệ An, nhưng Hoàng Ngọc Hà sinh năm 1936 ở Huế, rồi năm 1946 cả gia đình đi tản cư ra Hà Tĩnh. Cha chị vốn là viên chức tòa Khâm sứ Huế, mẹ là giáo viên trường Đồng Khánh, nhưng đã rời Huế ra Liên khu Bốn đi kháng chiến. Là chị cả của một đàn em, rồi chị Hà phải gánh vác cả gia đình, vì năm 1952 mẹ chị qua đời khi chị mới mười sáu tuổi. Cô em út lúc ấy mới lên bốn. Chị mười sáu nuôi em lên bốn như mẹ nuôi con. Thêm một đàn em và người cha ngơ ngác trong tang tóc. Cô em út về sau trở thành giáo sư tiến sĩ ngành dược, thuộc số những nhà khoa học được phong giáo sư khi tuổi còn chưa cao, một niềm tự hào mà chị Hà hay nhắc lại.
Năm 1954 giải phóng thủ đô, gia đình chị ra Hà Nội, ở trong một căn phòng của tòa nhà số 9 Lý Thường Kiệt cho đến tận bây giờ. Chị bắt đầu nhận công tác ở Thành đoàn cứu quốc Hà Nội. Cùng lúc, mười chín tuổi, chị phải lấy chồng, để có chỗ dựa cho cả đàn em lít nhít. Chồng chị là sĩ quan quân đội, cho chị hai đứa con trai rồi quanh năm vắng nhà. Qua nhiều năm, dần dần họ nhận ra rằng từ lúc đến với nhau cho tới khi chung sống đều khó có gì để chia sẻ. Thế là đành chia tay.
Hình như tôi đang kể lại một phần tiểu thuyết Hoàng hôn buồn. Cuốn tiểu thuyết hầu như là tự truyện của Hoàng Ngọc Hà. Chị dường như chỉ viết truyện thật, phải có chuyện thật thì chị mới viết thành truyện được. Cuốn sách này làm cho nhiều người rung động nhờ linh cảm đang được chứng kiến chuyện đời tác giả.
Chị Hà kể, trong đời chị chỉ có một tình yêu lớn. Dành cho một người từng là thủ trưởng của chị. Một người hào hoa phong nhã cùng lúc lại có kiến thức quảng bác. Chị khi ấy là thiếu phụ đã chia tay chồng, nhưng có hai con nhỏ. Anh là một cán bộ có gia đình. Chỉ dừng ở mức lâu lâu gặp nhau một tí, cầm tay nhau đắm đuối vội vã. Chỉ thế thôi. Thời ấy quan hệ bất chính là tội nặng, mà hai người đều là cán bộ cần phải giữ gìn và gương mẫu trước quần chúng thanh niên sinh viên.
Chỉ có một tình yêu ấy thôi. Suốt đời chỉ nhớ và thương thực sự có một người. Dăm năm trước, mấy ông bà già là đồng nghiệp cũ rủ đi thăm một người nằm liệt giường. Đấy là một người thời còn công tác đã kèn cựa tị hiềm gây khó khăn cho chị rất nhiều. Như một cái gai nhức nhối. Chị nghiệm thấy trong đời công tác, hễ mình làm được một việc gì tâm đắc thành công một tý là có kẻ chọn đúng chỗ ấy mà tấn công vào. Kinh nghiệm rút ra là khi ta làm được việc nào tâm đắc thì hãy sẵn sàng đón đợi sự công kích vào đúng việc ấy. Định không đi thăm, nghĩ đi nghĩ lại, thôi thì bỏ qua hết, đi vậy. Kẻ kình địch ngày xưa bây giờ là một ông già dúm dó nằm trên giường bệnh. Ông ta nhìn chị Hà, rồi quay sang nói với vợ: Cái cô Hà này ngày xưa mê tôi lắm đấy.
Bà già đi thăm tức điên lên, nhưng chỉ còn biết nuốt giận.
Các cụ bây giờ cũng lắm nỗi niềm như thế. Thời còn ở hội Nhà văn Hà Nội, chị Hà là tổng thư ký, sau đó chị chấp nhận là phó cho tôi, để giúp tôi trong nhiệm kỳ đầu làm chủ tịch hội. Một bà phó sáng suốt chu đáo tỉ mỉ, đặc biệt là rất tỉnh trước những vấn đề quản lý. Nhìn thấu mọi tâm tư khúc mắc thậm chí là thủ đoạn của người đời để có cách phản ứng thích hợp. Lần chúng tôi chuẩn bị tổ chức hội thảo về cuốn Báu vật của đời của Mạc Ngôn thì bị chính ông nhà thơ nọ chạy lên mách lãnh đạo thành phố rằng họ hội thảo về một cuốn sách chống đối. Chị Hà và tôi dứt khoát không chịu hủy bỏ cuộc hội thảo, cần gì thì sẽ giải trình sau, rồi mọi chuyện cũng êm. Sang nhiệm kỳ thứ hai, tôi không còn chị Hà làm phó nữa, nhưng những khi gặp chuyện, tôi vẫn tham khảo đặc biệt hai người là chị và bác Tô Hoài. Ngày trước gặp chuyện, bác có nổi nóng hay không? Bác Tô Hoài cười nhẹ: Không, chẳng đáng gì. Nhẹ nhõm như không. Tôi đến hỏi chị Hà cùng một câu như vậy. Chị điềm tĩnh phân tích mọi sự, chị kể những chuyện đã xảy ra với chị như một cách truyền kinh nghiệm để tham khảo. Những vấn đề về chính trị quản lý, chị Hà có cả một kho kinh nghiệm, lý lẽ và dẫn chứng thường sáng rõ thiết thực.
Có thời, bà Hà hơn sáu mươi tuổi ngày ngày đi xe đạp đến làm việc ở hội 19 Hàng Buồm. Đằng sau xe chằng buộc một cái ghế trẻ con. Bà già thế kia mà có con nhỏ thế, tôi vẫn trêu chị. Đấy là bà chở đứa cháu nhỏ, công việc mà bà tự nhận hàng ngày để giúp cho con trai. Từ căn hộ tập thể trên tầng năm khu Bách Khoa, bà đạp xe đến Lý Thường Kiệt đón cháu, đưa đi nhà trẻ, cuối chiều lại đến đón cháu, trả về cho bố mẹ nó. Đều đặn mấy năm trời. Có khi trời mưa như trút, đường phố ngập nước, bà già phải xuống dắt xe lội qua những con đường ngập quá nửa bánh xe. Thằng bé ngồi phía sau reo lên: Bà ơi, ô tô cũng lội nước kìa.
Cứ một mình tự lực mọi công việc như thế, cho đến khi bị gẫy chân. Đạp xe về đến khu Bách Khoa thì bị hai sinh viên đi xe máy phóng vèo qua quệt ngã. Hai cậu bỏ xe, chạy lại đỡ bà già dậy thì mới biết bà đã bị gẫy chân. Chúng rối rít đưa bà vào bệnh viện Bạch Mai ở gần đấy. Bà già để cho chúng đi, dù sao họ chỉ là sinh viên nghèo. Xương ống chân bị vỡ, phải chắp nối lại, ốp hai nẹp kim loại và cố định bằng chín con ốc. Soi cái phim X-quang lên, lần đầu tiên tôi mới biết người ta dùng nẹp kim loại ốc vít kim loại ra làm sao. Mấy tháng bó bột, khỏi rồi thì thành ra hơi tập tễnh, không đạp xe được nữa, không leo lên xe ôm được nữa, tự đi lại được nhưng phải dò dẫm thận trọng. Sức khỏe sa sút rồi thành một bà già rất nhanh. Đúng là tuổi già mỗi năm một khác.
Biết thế, những gặp gỡ tọa đàm văn học, chị hạn chế có mặt. Đại hội nhà văn toàn quốc cũng không đến nữa, đến thì làm phiền những người ngồi gần mình, họ phải để ý đón đỡ. Chẳng bù chuyện lan ra về một bà nhà văn khác, cỡ tuổi chị, cũng hoa khôi bao nhiêu người xao xuyến một thời, đại hội ấy cứ thản nhiên đến dự. Đi dép lê dò dẫm nhích từng bước ở lối đi giữa hội trường trong khi đại hội đang họp. Mấy cô nhà văn trẻ thốt lên: Sao bà kia cứ dép lê thế kia? Tôi bảo: Rồi có lúc các cô cũng dép lê như vậy, đi giầy cao gót để mà ngã lăn quay ra hay sao. Mấy cô khác lại kêu: Sao bà kia không ngồi yên mà suốt buổi cứ đi qua đi lại trong hội trường thế kia? Tôi lại bảo: Rồi có lúc các cô sẽ đi qua đi lại như thế, người già ngồi một lúc đau xương tê chân không chịu được.
Chị Hà nghe chuyện, cười: May quá, mình mà đến đại hội rồi cũng thành truyền thuyết như vậy.
Tôi đồng ý với chị Lê Minh Khuê khi chị nói: Chị Hà là người sống lành mạnh. Tôi hiểu theo nghĩa đấy là một người tinh thần lành mạnh, không hề ảo tưởng về mình. Giữa cái nghề quá nhiều người ảo tưởng hoang tưởng về bản thân, tôi chơi được với chị Hà là vì lẽ đó. Hay là còn vì những gì khác nữa?
Hàng năm về phép, một người mà tôi không thể không đến thăm là chị Hà. Cầm tay rưng rưng. Cứ nghĩ đến cái thời chị mới về hội mà nhớ, một người đàn bà năng động cười tươi như thiếu nữ. Đi xa nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư chị. Bà già không biết dùng máy tính, cứ cầm bút viết thư rồi nhờ con trai đánh máy gửi thư điện tử. Kể chuyện văn chương, chuyện đời sống ở nhà. Ông nhà văn nọ tám mươi có cuốn tiểu thuyết gần nghìn trang, ông từng viết hay thế mà cuốn này như gái quá thì. Chị bảo chị không viết được nữa, thời mình qua rồi, cố cũng chẳng được, thôi thì lấy đọc làm vui.
Tôi động viên chị cứ ghi chép rải rác, những chuyện tai nghe mắt thấy trong đời, rồi gửi dần cho tôi biên tập. Viết gì cũng được, miễn là để cho cái tay cái óc mình nó vận động không nghỉ không lão hóa.
Mỗi lần gặp chị rồi lại đi một năm sau mới về, tôi vẫn thầm thốt lên với chính mình. Ô, bà Hà phúc hậu này chính là chị Hà ngày trước đấy.