'Chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nói về áp lực về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng đây vừa là mục tiêu vừa là động lực, cũng là cứu cánh của chúng ta. “Mục tiêu của chúng ta năm 2030, 2045 phải đi tắt đón đầu thì chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số”, ông Quang nhấn mạnh. 

Năm 2024 sẽ phổ cập hạ tầng số

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 29/12, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động. Năm 2024 sẽ phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Cũng theo Bộ trưởng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

'Chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số' ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

2024 cũng là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không cần đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất là phải có ít nhất 70% người dân sử dụng.

Cùng với đó, 2024 sẽ là năm thực hiện mạnh mẽ ứng dụng AI là trợ lý ảo. Ứng dụng AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh nên việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ, nhiều văn bản, nhiều quy định hãy để cho AI thực hiện. Vì vậy, các bộ ngành địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt, chuyển việc vất vả, tốn thời gian cho AI, giải phóng con người làm những việc thú vị hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: Vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc.

Về báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Truyền thông, báo chí tiếp tục góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động…

Nghề “sang trọng” nhưng cũng rất áp lực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những đóng góp rất lớn của ngành với những kết quả chung cả nước đã đạt được trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Phó Thủ tướng cho rằng, thông tin truyền thông là nghề “sang trọng”, luôn tiếp cận với tri thức hiện đại, tiếp cận gần nhất với thế giới bên ngoài, tuy nhiên cũng có rất nhiều áp lực.

Trước tiên là áp lực về chuyển đổi số, đây vừa là mục tiêu vừa là động lực, cũng là cứu cánh của chúng ta. “Mục tiêu của chúng ta năm 2030, 2045 phải đi tắt đón đầu thì chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số”, ông Quang nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, qua báo cáo cho thấy, năm nay ngành đạt thành tích rất cao, tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần GDP, cũng là một áp lực lớn, làm sao để năm sau tăng cao hơn năm nay. Bên cạnh đó là áp lực về quản lý truyền thông, sức khỏe, đòi hỏi phải ứng xử rất nhanh. Bởi chỉ một thông tin không đúng, phải xử lý ngay lập tức, bởi nếu để nó nhân bản lên thì tác hại sẽ khôn lường, nên 1 giờ sáng vẫn phải làm…

Phó Thủ tướng cũng tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông: “Đối với những việc khó chúng ta phải có cách tiếp cận, cách xử lý khác”.

'Chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số' ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở theo ba hướng trong chuyển đổi số: Tạo ra sự hứng khởi thú vị để mọi người làm theo; vận động thuyết phục; và cách thứ ba là phải ép bằng quy định. “Lúc nào thì thuyết phục vận động, lúc nào tạo cảm ứng, lúc nào phải ép là việc của các đồng chí. Nhưng trong giai đoạn này, cũng có những việc cần phải ép, không ép không xong”, theo ông, đây chính là sự “sáng tạo”.

Kế đến, theo Phó Thủ tướng là vấn đề thể chế - một trong ba đột phá chiến lược, cũng là rào cản lớn hiện nay. Do vậy, ông lưu ý, ngoài xây dựng luật, phải làm thông tư, nghị định và phải sửa những quy định cũ không hợp lý, ví dụ như Nghị định 60 dành cho các cơ quan báo chí… Nên phải có chính sách cơ chế và đề xuất rất đặc biệt.

Về nguồn lực tài chính, Phó Thủ tướng gợi ý, với ngân sách nhà nước, phải tranh thủ và khắc phục hạn chế do lỗi kỹ thuật, chẳng hạn do thiếu thủ tục nào đó mà không giải ngân được. Ngoài ra, cần phải có cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đối với quản lý báo chí, Phó Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không chủ quan. Qua đó cần nâng cao chất lượng cạnh tranh, để người làm báo có thể sống được với nghề. Đồng thời cũng phải quan tâm đến các nhà xuất bản, văn hóa đọc sách trong thời gian tới.

Nhắc đến hai chữ “tử tế”, ông Trần Lưu Quang lưu ý “có những người trước đây tưởng chừng như tử tế lắm, nhưng khi đổ chuyện thì mới biết hình như cũng không được tử tế”.

Nhấn mạnh “nhắc chuyện này không thừa”, theo ông Quang, phải hiểu khái niệm tử tế rộng hơn: Đầu tiên là tử tế với công việc; tử tế với các đối tượng quản lý của mình; rồi tử tế với đối tác; đặc biệt là tử tế với đồng chí anh em, tử tế với những người thuộc quyền; cuối cùng là phải tử tế với pháp luật, phải thượng tôn pháp luật.

“Thành tích rất đáng nói rồi nhưng công việc sắp tới cũng còn không ít những khó khăn nên chúng ta phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.