Cuộc chạy thoạt nghe tưởng “điên rồ” trên xuất phát từ ý tưởng của Nông Văn Chuyền, chàng trai người Tày sinh năm 1995 và là gương mặt không còn xa lạ trong giới chạy bộ không chuyên. Nhóm chạy theo kế hoạch sẽ khởi hành lúc 0h ngày 10/6 tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), đến cột cờ Hà Nội tại đất mũi Cà Mau ngày 21/6.
Để hoàn thành hành trình trên, các VĐV sẽ chia nhau chạy 24/24 giờ, trung bình mỗi người sẽ chạy 30km/ngày và trong 12 ngày liên tiếp. Đây là thời gian ngắn nhất cho một hành trình chạy bộ xuyên Việt, vượt qua các vùng miền của đất nước. Số lượng VĐV không đổi trong suốt hành trình. Nếu một thành viên vì lý do nào đó không thể tiếp tục, những người còn lại sẽ gánh vác quãng đường bạn mình bỏ dở. Chương trình có ý nghĩa quảng bá hình ảnh, nét đẹp đất nước Việt Nam lan tỏa tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe và truyền tải thông điệp “Đã uống rượu bia-không lái xe”. Ngoài ra, chương trình cũng nhằm gây quỹ cho tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam (Operation Smile in Vietnam), quyên tiền phẫu thuật cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch....
Trao đổi với Tiền Phong, Nông Văn Chuyền cho biết vẫn không thể ngờ từ lúc nảy ra ý tưởng tới khi thực hiện công tác vận động tài trợ, chuẩn bị...chỉ có 10 ngày. Ban đầu, những người tham gia cũng khá lo lắng khi quãng đường dài, thời tiết nắng nóng nhưng sau khi làm việc với nhau, tất cả đều trở nên tự tin. Nhóm dự kiến cần khoảng 250 triệu đồng để phục vụ hành trình và hiện đã được ủng hộ 2/3 số tiền trên. Các VĐV được một số cá nhân, đơn vị tài trợ trang thiết bị và cả gói bảo hiểm trị giá 100 triệu đồng.
“Trong quá trình chạy các VĐV sẽ được hỗ trợ, cung cấp đồ uống, dinh dưỡng... đảm bảo sức khỏe. Chúng tôi sẽ đẩy dữ liệu lên trang web để đảm bảo sự minh bạch. Nhóm đặt mục tiêu chạy 2.400km trong 10 ngày để làm mục tiêu phấn đấu, còn tuỳ thực tế, hành trình có thể kéo dài hơn 3-5 ngày”, Nông Văn Chuyền nói.
“Ông xã và con đều ủng hộ”
Mười VĐV tham gia cuộc đua đều là những gương mặt “số má” của làng chạy không chuyên như Huỳnh Thái Lộc (Bình Dương), Bế Văn Phúc (Lạng Sơn), Vũ Sơn (Hà Nội) hay Nguyễn Văn Bình và Phạm Tiến Sản, cựu HCV SEA Games cự li 3.000m vượt chướng ngại vật (Bắc Giang).
VĐV Phạm Tiến Sản cho biết sau khi hoàn thành hành trình xuyên Việt này, anh sẽ tham dự giải Marathon Tiền Phong 2020 tại Lý Sơn ngày 5/7. Vì vậy, anh đã xin phép đơn vị chủ quản Bắc Giang, cam kết đảm bảo sức khoẻ đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị rất kỹ. “Tôi đã xin phép đơn vị để sau khi kết thúc giải chạy sẽ ra Lý Sơn tập huấn luôn, đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Mỗi ngày trung bình tôi sẽ chạy khoảng 30km, trong đó có 10km thả lỏng. Với lộ trình đó tôi nghĩ cần 10-12 ngày sau khi hoàn tất cuộc chạy, tôi sẽ hồi phục được sức khoẻ”, Phạm Tiến Sản cho biết.
VĐV Vũ Sơn cho biết đã tham gia chạy bộ 17 năm. Đã 42 tuổi, anh hằng ngày đều duy trì một lịch tập luyện, sinh hoạt rất khoa học: sáng dậy 5h30, chạy vòng quanh công viên khoảng 5km, chiều tập tạ và xà. Tối đi ngủ sớm từ 10h30. “Tôi muốn những người trung tuổi thấy tập luyện sức khoẻ không khi nào muộn, sức khoẻ là vô hạn. Tuy nhiên nếu ai muốn chạy bộ thì nên có người hướng dẫn, như vậy sẽ hiệu quả hơn, tránh chấn thương”-anh Sơn nói. Vũ Sơn cho biết trước khi tham gia, anh đã phải qua bài “test” chạy giữa trưa nắng trong 2 ngày liền để đảm bảo đủ sức khoẻ.
Nguyễn Thuỳ Linh là chân chạy nữ duy nhất trong đoàn, đã tham gia cộng đồng chạy bộ khoảng 4 năm. Đang là nhân viên một công ty viễn thông, cô phải xin phép nghỉ 2 tuần. “Ban đầu khi nghe về quãng đường phải chạy tôi cũng không tự tin lắm nhưng sau một tuần làm việc cùng mọi người, mình thấy tự tin hơn hẳn. Trước đây tôi có tham gia vài chuyến xe đạp nhưng không khốc liệt như vậy. Cả gia đình mình gồm ông xã và các con đều ủng hộ mình chạy”, Thuỳ Linh nói.