Theo Drive, Liên minh Châu Âu (EU) đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất và xuất khẩu ô tô điện giá bình dân. Do đó, họ đang lên kế hoạch đánh thuế đối với các mẫu xe điện từ Trung Quốc đã, đang và sẽ du nhập vào thị trường châu Âu trong tương lai.
Thông qua một cuộc điều tra chống bán phá giá được mở vào tháng 10 năm ngoái, EU cho biết họ có đủ bằng chứng cho thấy xe điện Trung Quốc đang được trợ cấp. Điều này khiến cho giá bán lẻ ô tô điện Trung Quốc được giữ ở mức thấp khi vào châu Âu.
Xe điện do Trung Quốc sản xuất nhiều khả năng sẽ bị đánh thuế khi vào châu Âu trong tương lai. |
Ví dụ mới nhất có thể kể đến là chiếc xe điện 4 chỗ Seagull của BYD vừa được giảm giá xuống dưới mức 10.000 euro. Trong khi đó, chiếc ô tô điện rẻ nhất cùng phân khúc tại châu Âu là Dacia Spring có giá từ 20.800 euro. Khi so sánh, mẫu xe đến từ Trung Quốc có giá rẻ hơn một nửa và đó sẽ là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất ô tô đến từ châu Âu.
Theo Bloomberg, nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái tính từ thời điểm cuộc điều tra được tiến hành. Báo cáo cũng tiết lộ 1/3 số xe điện xuất khẩu từ Trung Quốc hiện hướng tới châu Âu. Điều này khiến EU lo ngại rằng các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại châu Âu có thể bị tổn hại nếu nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại và hệ quả lâu dài sẽ khó khắc phục.
Hiện các công ty ô tô Trung Quốc bao gồm BYD, Geely và SAIC vẫn đang bị điều tra bởi EU. Mục đích là để xác định xem liệu xe điện sản xuất tại Trung Quốc có nhận được trợ cấp của nhà nước để tạo thêm lợi thế cạnh tranh bằng giá bán lẻ thấp ở châu Âu so với các thương hiệu bản địa hay không.
Về phần mình, phía Trung Quốc tất nhiên không hài lòng với thông tin xe điện của họ đang bị điều tra và sắp bị đánh thuế tại châu Âu. Reuters đưa tin Phòng Thương mại Trung Quốc tại châu Âu tỏ ra thất vọng với động thái của EU khi tin rằng sự gia tăng nhập khẩu chỉ phản ánh nhu cầu về xe điện ngày càng tăng ở châu Âu.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích cuộc điều tra nói trên, gọi đây là hành động bảo hộ trắng trợn sẽ phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả châu Âu. Đồng thời, họ cho rằng động thái của EU sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa đôi bên.