Tương tự, thành phố Vinh (Nghệ An) cũng rơi vào tình cảnh thiếu trường, lớp công lập cho học sinh THPT. Hơn 50% trong số 6.200 học sinh tốt nghiệp THCS năm nay của địa phương sẽ phải học trường tư, học nghề hoặc thậm chí… không được học. Bởi lẽ, không phải ai, gia đình nào cũng có thể chi tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng /tháng cho con ăn, học ở trường tư. Có người phải thốt lên: từ khi nào, giành được suất học ở trường công lập bậc THPT đã trở thành thành tích đáng kể của lứa tuổi 15?
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, thiếu trường công lập tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành là vấn đề nóng nhiều năm nay nhưng cơ quan quản lý chưa có giải pháp đột phá, rốt ráo để giải quyết. Giải pháp hiện được áp dụng là căn cứ trên cơ sở vật chất hiện tại để tăng sĩ số học sinh. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hậu quả khác là tác động đến chất lượng giáo dục, gia tăng ngột ngạt, trầm cảm đối với học sinh. Trường, lớp xây mới không đáp ứng đủ nhu cầu cho thấy công tác dự báo dân số, quy hoạch chưa được làm bài bản, khoa học để trở thành chỉ báo cho đầu tư cơ sở, nhân lực ngành giáo dục.
Học sinh học hết lớp 9 được phân luồng là đúng đắn nhưng nhiều năm nay chúng ta vẫn loay hoay, chưa chứng minh, thuyết phục được phụ huynh, học sinh rằng, con đường đó hiệu quả để họ tin theo. Hà Nội vẫn áp chỉ tiêu rất cứng là tuyển sinh 60-62% học sinh vào bậc THPT trong khi nhiều phụ huynh có điều kiện thuận lợi, mong muốn đầu tư cho con học tập nhưng lại thiếu trường, thiếu lớp. Trong khi đó, ở một số nơi khó khăn, học sinh học hết THCS “tự phân luồng” đi làm công nhân, xuất khẩu lao động… Chưa kể thực tế là ngay ở Thủ đô điều kiện, nhu cầu của học sinh các quận nội đô khác với học sinh ở vùng nông thôn, miền núi như Ba Vì, Sóc Sơn… Điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT công lập cũng vì thế có sự chênh lệch rất cao, nơi mỗi môn hơn 8 điểm, nơi 3 môn 10 điểm học sinh mới đỗ. Do đó, cần tính toán số lượng học sinh, điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng để có quy hoạch trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, không cào bằng, áp chỉ tiêu hướng nghiệp cho các địa phương.
Cũng phải nhìn nhận một cách công bằng là ngành Giáo dục hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi không phải là cơ quan quyết định được kinh phí, quỹ đất để xây trường. Học sinh các cấp tăng hàng chục nghìn em/năm đòi hỏi xây thêm trường lớp nhưng lại phải tinh gọn, cắt giảm bộ máy biên chế.
Khi thiếu quỹ đất ở nội đô, việc nâng tầng trường có nguy cơ tác động xấu đến nền móng, còn nâng sĩ số học sinh/ lớp ảnh hưởng đến chất lượng dạy học thì lãnh đạo thành phố Hà Nội cần quyết liệt hơn khi di dời các nhà máy, xí nghiệp để ưu tiên quỹ đất cho giáo dục và đầu tư xây cụm trường ở xa. Đây là việc có thể làm ngay. Khi đó, đội ngũ giáo viên được dạy cả cụm trường, sẽ giải quyết cả vấn đề thiếu trường và thiếu giáo viên. Dĩ nhiên, đó là bài toán phức tạp không của riêng ngành giáo dục mà cần có sự bắt tay, chung sức của các sở, ngành khác ở Thủ đô.