Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Ghi âm, ghi hình phiên tòa xét xử rồi đưa lên mạng sẽ rất phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Hội đồng xét xử toàn tâm, toàn ý, tập trung suy nghĩ cao nhất trong vụ án. Thế nhưng cứ chĩa máy quay vào mặt thì người ta bị phân tán”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu.

Chiều 26/3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong giai đoạn việc ghi hình ảnh, âm thanh và lan truyền thông tin một cách quá dễ dàng như hiện nay, thì việc quy định chặt chẽ việc đưa tin, thông tin tại các phiên tòa là vô cùng cần thiết.

“Việc thông tin không đầy đủ, không chính xác, chỉ thông tin các nội dung, tình tiết nhằm định hướng dư luận là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”, bà Nga cho hay.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống, cùng với đó là sự phân tích, công kích cũng có… và rất nhiều cảm xúc khác nhau đến từ hàng ngàn người, tạo ra những tác động và áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án.

Tuy nhiên, đối với nội dung này, đại biểu Nga cho rằng, cần rà soát và quy định cẩn trọng, không làm trái nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Bên cạnh đó, việc quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được tham dự phiên tòa xét xử công khai có cần thiết hay không? Đã là công khai tại sao chỉ công khai đối với đối tượng trên 16 tuổi, bởi người dưới 16 tuổi cũng đã có những nhận thức nhất định về pháp luật.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Ghi âm, ghi hình phiên tòa xét xử rồi đưa lên mạng sẽ rất phức tạp ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh QH

"Không phải chỉ chúng ta mà cả thế giới đã làm"

Liên quan đến vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan mà chỉ điều chỉnh truyền thông trong phiên tòa xét xử. “Còn ra hành lang, phỏng vấn ai, đưa tin thế nào là việc của truyền thông, tòa không điều chỉnh, không ngăn cản”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo Chánh án, việc tổ chức phiên tòa là do tòa án nên tòa án phải thực hiện đúng luật, đảm bảo chất lượng và trong phiên tòa đảm bảo trang nghiêm, hết sức nghiêm túc. Để thực hiện yêu cầu thì tòa phải quy định việc truyền thông.

Ông Bình ví dụ, trong phiên tòa xét xử vụ án ly hôn, chồng nói thế này, vợ nói thế kia... xong ghi âm, ghi hình đưa lên mạng sẽ rất phức tạp, xâm phạm quyền con người. Chưa kể, người ta không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn... “Rất nhạy cảm xung quanh việc này và kể cả người vi phạm cũng vậy. Do vậy, chúng tôi điều chỉnh trong phòng xét xử", ông Bình nói.

Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, để đảm bảo chất lượng phiên tòa, thế giới cũng không cho truyền thông ghi âm, ghi hình. "Viện kiểm sát, luật sư, hội đồng xét xử toàn tâm, toàn ý, tập trung suy nghĩ cao nhất trong vụ án. Thế nhưng cứ chĩa máy quay vào mặt thì người ta bị phân tán. Lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì bị phân tán...”, Chánh án TAND Tối cao nêu.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bản thân hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên cũng không muốn hình ảnh lên truyền thông xấu.

"Người ta phải nhăn mặt, nhíu mày, suy nghĩ, đăm chiêu chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười.

Thế nên trong phòng xét xử chúng tôi điều chỉnh để đảm bảo các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử... Đây là câu chuyện không phải chỉ chúng ta mà cả thế giới làm", ông Bình nói thêm.

Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng, truyền hình luôn muốn hình ảnh đẹp nhất, thì phải xách máy đi chỗ này, chỗ kia. Như vậy sẽ ảnh hưởng tính nghiêm túc của phiên tòa.

“Cho nên chúng tôi quy định thế này, không phải chỉ chúng ta mà cả thế giới đã làm. Tiếp thu ý kiến, chúng tôi quy định tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ và lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng đảm bảo, bảo vệ quyền con người, sau này Viện kiểm sát giám sát sẽ dựa trên kết quả ghi âm, ghi hình", ông Bình nói.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.