Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng

TPO - Mới đây cử tri tỉnh Tây Ninh đã gửi kiến nghị tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc loại bỏ một số lễ hội phản cảm, bạo lực, không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bộ VHTTDL cho biết đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về các lễ hội phản cảm, bạo lực.

Chấn chỉnh lễ hội chọi trâu

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 an toàn khép lại vào 21/9 (ngày 19/8 âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Trước khi bước vào ngày đấu cuối cùng, BTC lễ hội đã kiểm tra 3 đợt nhằm đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của trâu chọi theo quy chế tổ chức lễ hội.

Theo truyền thống, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và hiến sinh lâu đời của người dân Đồ Sơn. Lễ hội lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân với khát vọng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc..

Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 1

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 khép lại vào ngày 21/9.

Tuy nhiên, câu chuyện giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn là đề tài thảo luận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Trước đó vào năm 2017, một sự cố nghiêm trọng xảy ra khiến UBND TP. Hải Phòng quyết định tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức.

Từ sau khi được chấn chỉnh đến nay, dù lễ hội vẫn được duy trì thường niên, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về nhưng sự kiện này cũng vấp phải luồng tranh cãi lớn về giá trị nhân văn, nhân đạo.

Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 2Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 3

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thu hút lượng lớn du khách tham dự.

Một số yếu tố phản cảm vẫn gây tranh cãi

Liên quan đến việc loại bỏ một số lễ hội phản cảm, bạo lực, không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa Việt, mới đây cử tri tỉnh Tây Ninh đã có kiến nghị gửi tới Bộ VHTTDL.

Cử tri nêu vấn đề một số lễ hội tại các địa phương xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng lễ hội dưới nhiều hình thức, mang tính thương mại, các hình ảnh phản cảm như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc, thực hiện nhiều nghi thức không có trong lễ hội truyền thống, tình trạng biến tướng cá độ, đặt cược, nghi thức rước sinh thực khí nam...

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác quản lý lễ hội, Bộ VHTTDL đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 4

Lễ hội Chém lợn từng gây tranh cãi lớn về giá trị nhân văn.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Bộ VHTTDL đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng cử các đơn vị chuyên môn trực tiếp trao đổi với địa phương để đưa ra các giải pháp, phương án thay đổi hình thức tổ chức lễ hội phù hợp, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách.

Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 5Chấn chỉnh Lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng ảnh 6
Cảnh chen lấn xin lộc hoa tre tại Hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Duy Phạm.

Việc giám sát, nhắc nhở và yêu cầu BTC lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội cũng được thực hiện thường xuyên góp phần đưa các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có lối sống, nếp sống văn minh trong lễ hội.

“Các hình ảnh phản cảm, hiện tượng mê tín dị đoan, biến tướng trong lễ hội dần được đẩy lùi, từ đó công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một có nền nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử”, Bộ VHTTDL nêu.

Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên để hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao trong đời sống của nhân dân.

Tin liên quan