Câu chuyện về người ngăn việc 'hối lộ' thần linh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từng làm Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (người M’nông) luôn đau đáu về cội nguồn dân tộc, cũng như muốn tìm rõ nguyên nhân vì sao bà con còn nghèo, lạc hậu. Ông Thịnh cho rằng, một trong những căn nguyên là do phong tục lạc hậu, tín ngưỡng đa thần mù quáng…

Hơn cả một cuốn sách về văn hóa

Sáng sớm mưa phùn phủ trắng cao nguyên M’nông, tôi có cơ duyên gặp ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (SN 1953), tác giả cuốn sách "Lịch sử Văn hóa M’nông" (tiếng M'nông là Năo Rih Sjêng Bunoong). Ông Y Thịnh nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2004-2011.

Căn nhà nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cũng bình thường như bao nhà dân khác nằm ở phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa. Đã 70 mùa rẫy, ông Y Thịnh gây bất ngờ cho người mới gặp khi giữ được sự khỏe khoắn cùng phong thái của một người từng làm cán bộ. Bên ấm trà buổi chiều mưa, ông Y Thịnh chia sẻ lý do thôi thúc nghiên cứu, cho ra đời tác phẩm Lịch sử Văn hóa M’nông.

“Là người M’nông, tôi và bà con bon (buôn) làng rất muốn biết rõ cội nguồn. Nhiều lần tôi tự hỏi, dân tộc mình hình thành như thế nào, quá trình đấu tranh, phát triển, bản sắc văn hóa từ xưa đến nay ra sao… Tôi đã đọc nhiều sách viết về người M’nông. Có cái đúng nhưng cũng không ít điều tôi thấy không phải. Thời đương chức, tôi đã muốn đi tìm câu trả lời nhưng đến khi về hưu mới có thời gian làm được”, ông Y Thịnh chia sẻ.

Tặng phóng viên (PV) cuốn sách Năo Rih Sjêng Bunoong vừa mới in có màu xanh chủ đạo, dọc bìa thêm hoa văn thổ cẩm đặc trưng người M’nông, ông Y Thịnh nói thêm, nội hàm cuốn sách không dừng lại ở góc nhìn văn hóa, mà còn phản ánh vấn đề thời sự xoay quanh đời sống, giáo dục, kinh tế...

Câu chuyện về người ngăn việc 'hối lộ' thần linh ảnh 1

Ông Y Thịnh- chủ nhân cuốn sách Lịch sử Văn hóa M'nông

Ông đặt câu hỏi, vì sao người M’nông còn nghèo, có phải do họ thiếu đất không? Đến bây giờ bà con đang đứng ở vị trí nào giữa 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S; chính sách của Đảng, Nhà nước có đến được từng nóc nhà M’nông hay không…? Rồi ông từ từ lý giải từng vấn đề một cách bài bản, có lớp lang, rõ ràng về nguyên nhân sâu xa kèm theo giải pháp phù hợp.

“Những vấn đề trên cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Là người M’nông lại làm lãnh đạo, chứng kiến đồng bào mình nghèo đói, tôi trăn trở lắm. Thời làm chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tôi từng cho san ủi một khu đất rộng hơn 200ha để bà con M'nông canh tác nhưng họ làm được một thời gian thì bỏ vì lau sậy mọc nhiều quá. Khu đất này bây giờ là Buôn Chóah, được bà con dân tộc khác canh tác, trở thành vựa lúa lớn nhất tỉnh, chuyên sản xuất loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Tôi muốn đi tìm bản chất, quy luật tiến hóa của đồng bào mình để hiểu xem, vì sao bà con M’nông thà chịu khổ chứ không chịu khó”, ông Y Thịnh tâm sự.

Ông Võ Văn Hân - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật TP Gia Nghĩa nhận xét, ông Y Thịnh rất tâm huyết với vấn đề nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Cuốn sách “Lịch sử Văn hóa M’nông” là tác phẩm đầu tay của ông ấy, chứa đựng rất nhiều tâm huyết, mong muốn bà con mình phát triển, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, hướng đến tương lai tốt đẹp. Năo Rih Sjêng Bunoong là nguồn sử liệu rất quý giá về lịch sử, văn hóa dân tộc M’nông nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu.

Ông Y Thịnh đã đọc 50 cuốn sách về lịch sử người Việt. Theo dòng chảy lịch sử, ông tìm về văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), ngược xuống An Giang để hiểu thêm văn hóa Óc eo; đến Thư viện tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và các huyện của tỉnh Đắk Lắk để tìm tư liệu về người M’nông. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian thực tế tại quê hương Đắk Nông, nhất là Nâm Nung (huyện Krông Nô) - cái nôi của người M’nông trên Tây Nguyên.

Bài trừ tư tưởng sùng bái đa thần

Tác giả cuốn sách cho hay: “Những điều tôi viết trong cuốn sách này là tâm huyết. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến trái chiều khi đưa ra quan điểm, bãi bỏ những phong tục lạc hậu, ngừng hối lộ thần linh”.

Câu chuyện về người ngăn việc 'hối lộ' thần linh ảnh 2

Ông Y Thịnh bên tấm thổ cẩm của người M’nông

Trong Năo Rih Sjêng Bunoong, ông Y Thịnh đề cập đến chế độ mẫu hệ - sản phẩm của xã hội nguyên thủy, khi loài người sống đời du mục. Theo bản năng tự nhiên, người đàn ông sức dài vai rộng đi kiếm ăn trong rừng sâu, người đàn bà ở nhà lo chuyện con cái. Có người đàn ông đi biền biệt, và đó là lý do tại sao người con chỉ biết mẹ. Phụ nữ ở nhà đợi chồng đã chủ động sản xuất, tạo ra sản phẩm, tạo ra uy quyền, cơ sở cho chế độ mẫu hệ. Chế độ này khiến người phụ nữ phải cùng lúc gánh vác quá nhiều trách nhiệm (thiên chức làm mẹ, trụ cột gia đình)…Ông cho rằng, đàn ông có sức khỏe, trí tuệ nên cần chủ động, phát huy sức mạnh vốn có của mình san sẻ cùng vợ xây dựng gia đình.

Ông Y Thịnh cũng mạnh mẽ lên tiếng hủ tục nối dây (Mât plôh), vợ chết thì thế em gái ruột của vợ làm vợ; chồng chết thì thế em trai chồng của chồng. Nếu không có em thì thế cả dì, chú, người đã tuổi xế chiều cũng chịu miễn sao trong họ hàng, cùng huyết thống của bên vợ hoặc chồng dù không yêu nhau. Điều này làm cho giống nòi sa sút, yếu cả trí tuệ và sức lực.

Đề cập đến vấn đề nhạy cảm - thần linh, ông Y Thịnh quả quyết, phải bài trừ tư tưởng sùng bái đa thần mù quáng - một trong những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển của người M’nông. Ông từng chứng kiến trường hợp bị bệnh tật nhưng không đi bệnh viện mà lạc hậu tin do ma quỷ, thần linh trừng phạt. Họ mở ra những lễ cúng rùng rợn, cầu kỳ và tốn kém. Có lễ cúng dâng vật hiến tế gồm hàng chục con gà, lợn, thậm chí vài con dê, bò, trâu trắng. Cả bon (buôn) làng tụ tập ăn uống linh đình nhưng người chết vẫn chết. Vị này cũng đề cập đến nghi lễ chôn cất người đã khuất quá rườm rà, tốn kém mà một bộ phận người M’nông còn duy trì như: Tổ chức ăn uống kéo dài cả tuần dù đã chôn cất xong…

Theo ông Y Thịnh, cần nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, không mê tín; phải xóa bỏ tư tưởng sùng bái đa thần mù quáng, cúng theo quan niệm tạ ơn, hối lộ thần linh với tài sản và các vật hiến sinh có giá trị lớn để được thần che chở, cúng cầu xin ma quỷ không quậy phá…

“Thai nghén” suốt 4 năm để cho ra cuốn sách, ông Y Thịnh gửi thông điệp đến bà con M’nông hãy thay đổi tập quán, mạnh dạn bài trừ những tập tục lạc hậu, tiếp cận tinh hoa của xã hội hiện đại; Tự tin làm chủ bản thân, tự lực tự cường, chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Ông Y Thịnh hy vọng cuốn sách giúp nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cho người dân tộc thiểu số nói chung và người M’nông nói riêng, hiểu hơn về điểm mạnh, hạn chế của từng dân tộc, từ đó tham mưu chính sách phù hợp...

MỚI - NÓNG