Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi kéo theo việc nhiều khu chợ một thời sầm uất ở Hà Nội bỗng nhiên vắng bóng khách mặc dù đã được cải tạo theo mô hình mới và tọa lạc ở vị trí đắc địa. 

Theo ghi nhận, tại nhiều khu chợ truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội, tình hình buôn bán ế ẩm đã diễn ra nhiều năm nay. Dân buôn ngồi không ngóng khách, khách đến chợ lác đác nhưng ít người mua hàng.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 1

Chợ Hàng Da nằm ngay vị trí đắc địa tại trung tâm quận Hoàn Kiếm

Nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, chợ Hàng Da (Cửa Đông, Hà Nội) là nơi bán buôn bán lẻ các mặt hàng đa dạng từ thực phẩm, quần áo, giày dép, đến hàng mã, vải vóc. Chợ Hàng Da cũ đã được cải tạo lại theo mô hình mới và đưa vào sử dụng từ năm 2010 với tổng diện tích 3.700m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tuy được cải tạo lại khang trang và sạch sẽ song Trung tâm thương mại Hàng Da đến nay vẫn không thể tìm lại vẻ sầm uất khi xưa.

Khu tầng hầm chủ yếu bán giày dép, quần áo, đồ gốm... nhưng mỗi ngày cũng chỉ lác đác vài khách xem hàng. Chủ một sạp hàng chia sẻ, "đi buôn như đi câu ấy mà", so với trước đây, hiện tại buôn bán khó khăn hơn hẳn, khách hàng ngày có ngày không nhưng vẫn cố duy trì mở cửa hàng vì còn có những mối làm ăn lâu năm.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 2

Nhiều sạp hàng đóng cửa im lìm dù đã quá trưa

Dãy ki-ốt bán rượu, bia, bánh kẹo ở tầng 1 chỉ có mấy gian hàng còn bày bán sản phẩm, phần còn lại đều đóng cửa. Dù đã quá trưa nhưng nhiều sạp hàng vẫn im lìm "cửa đóng then cài".

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 3

Khu vui chơi ở tầng 2 Trung tâm thương mại Chợ Hàng Da mở cửa nhưng vắng khách

Khu vực tầng 2, tầng 3 được bố trí làm khu vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện, phòng tập,.... nhưng cũng rất vắng. Cầu thang cuốn được thiết kế để phục vụ mọi người tới trung tâm thương mại cũng không hoạt động do quá ít người ra vào.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 4

Theo các tiểu thương, từ khi cải tạo chợ cũ thành trung tâm thương mại, những chủ hàng cũ nếu muốn giữ chỗ bán quen phải bỏ tiền mua ki-ốt,... có nhiều chủ hàng mua ki-ốt rồi buôn bán ế ẩm đành rao bán hoặc cho thuê nhằm tháo vốn nhưng cũng không có người hỏi nên đành đóng cửa để đó.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 5
Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 6

Nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống rao bán hoặc cho thuê quầy

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 7

Những ki-ốt đóng cửa tại nhiều khu chợ truyền thống

Cũng chung cảnh, chợ Mơ truyền thống vốn là nơi buôn bán sầm uất của Hà Nội, sau khi bị phá đi để xây thành trung tâm thương mại, chợ vẫn hoạt động trở lại dưới hầm từ năm 2014. Song trái với cảnh đông đúc khi xưa, việc kinh doanh ở chợ Mơ giờ đây ngày càng hắt hiu, lay lắt.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 8

Khách vắng, các tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau

Tình cảnh "chợ chiều" không chỉ ở các khu chợ mới được quy hoạch lại mà ngay cả những chợ truyền thống sầm uất trước đây như chợ Ngã Tư Sở cũng đìu hiu trông thấy.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 9

Những giá sắt treo hàng của các hộ kinh doanh quần áo nay đã hoen gỉ, trơ khung, không có người bán.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 10

Đây từng là khu chợ truyền thống một thời hoàng kim của Thủ đô

Một chủ sạp hàng quần áo chia sẻ: "Tôi buôn bán ở đây cũng được 30 năm rồi, trước còn bán được chứ bây giờ ế lắm nhưng vẫn phải duy trì mở cửa bởi quá tuổi để đổi nghề rồi. Quanh đây bao nhiêu quầy người ta thuê xong không bán được giờ họ đóng hết chứ để cũng không đủ tiền đóng tiền điện, tiền dịch vụ." Bà chia sẻ thêm, giờ tại chợ người bán cũng toàn người lớn tuổi, người trẻ đi làm việc khác chứ không ai vào đây thuê sạp ngồi bán hàng.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 11

Chợ Hôm - Đức Viên nằm ở ngã tư giao giữa Phố Huế - Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông, vị trí được coi là đẹp nhất trong số các chợ truyền thống lâu đời của Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều gian hàng tại đây luôn trong cảnh vắng khách.

Cảnh đìu hiu ở nhiều chợ truyền thống nổi tiếng Hà Nội ảnh 12

Dù đã xế chiều nhưng vắng khách tới mua hay xem hàng.

Chợ truyền thống trở nên ế ẩm một phần do thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi.

Bà Kim Oanh ở Ô Chợ Dừa chia sẻ: "Mỗi lần mua sắm đồ cho gia đình, từ vật dụng đến thực phẩm,... tôi chủ yếu vào siêu thị mua, chỉ những khi nào về trễ quá tiện đường tôi mới vào chợ truyền thống. Tôi cảm thấy mua trong siêu thị an tâm hơn vì trông có vẻ đảm bảo vệ sinh."

Chợ truyền thống sau cải tạo rơi vào cảnh đìu hiu một phần khác cũng do sự xâm lấn của những chợ cóc tự phát, hàng rong và sự bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đặc biệt là hình thức kinh doanh online với nhiều ưu đãi, giảm giá cực khủng đang ngày càng tràn lan trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Hiện nay để tiếp cận thêm nguồn khách hàng, nhiều tiểu thương ngoài việc duy trì kinh doanh tại các sạp hàng còn dựa vào mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm của mình.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.