'Chiến thần livestream' Hà Linh kiếm tiền khủng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Hà Linh - người được mệnh danh là 'Chiến thần livestream' từng cho biết, cô sẵn sàng thưởng 10 tỷ đồng cho bất kỳ ai tìm ra bằng chứng mình nhận tiền quảng cáo.

Bên cạnh cái tên "chiến thần", Võ Hà Linh còn gắn liền với biệt danh "thánh chê". Bởi cô thường đi ngược lại với xu hướng, dành lời chê nhiều hơn khen đối với mỹ phẩm cũng như khi review ẩm thực. Do đó, không ít người thắc mắc cách cô kiếm tiền khi liên tục đăng video không mang tính chất "nịnh".

Hà Linh thậm chí không ngại đối đầu với những tên tuổi có tiếng trong giới giải trí. Với phương châm "cây ngay không sợ chết đứng", cô nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Thậm chí, nhiều người cho biết, họ phải vào xem video của cô trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó.

'Chiến thần livestream' Hà Linh kiếm tiền khủng thế nào? ảnh 1

Hà Linh từng bị tố nhận tiền quảng báo từ nhãn hàng để PR "lố". (Ảnh: FBNV).

Nước đi "khó nhằn" của Hà Linh

Khi ưu tiên lợi ích khách hàng, điều này đồng nghĩa với việc Hà Linh có khả năng trở thành "kẻ thù" của nhiều thương hiệu lẫn cá nhân. Cô cam kết những gì mình làm xuất phát từ cái tâm. Đó được xem như điểm thu hút nhất của nữ beauty blogger sinh năm 1992.

Cuối năm 2022, Hà Linh khẳng định cô không nhận tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Do đó, nội dung review của cô hoàn toàn không bị tác động bởi khoản chi phí này.

Theo cô, nếu hợp tác với nhãn hàng, hai phía phải ký hợp đồng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Trước khi lên sóng, nội dung bị kiểm duyệt bởi nhãn hàng và đi theo định hướng đã đề ra. Nhãn hàng chính là đơn vị trả chi phí booking PR (đặt bài quảng cáo).

Nữ beauty blogger đã không chọn lối đi trên. Thay vào đó, cô kiếm tiền theo hướng Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết). Đây được xem như một hình thức thu nhập thụ động, theo Kevin Leyes - người sáng lập công ty tiếp thị truyền thông xã hội Leyes Media - chia sẻ trên tạp chí Entrepreneur. Người làm nội dung sẽ kiếm tiền hoa hồng bằng cách tiếp thị các sản phẩm.

Trong trường hợp của Võ Hà Linh, cô trực tiếp làm việc với các sàn thương mại điện tử. Cô đảm nhận vai trò giới thiệu khách hàng tiềm năng đến các sàn thương mại đó thông qua đường dẫn. Bởi vậy, nhãn hàng không có quyền tác động vào nội dung video. Hà Linh cũng cho biết, hầu hết sản phẩm review đều được mình tự mua để trải nghiệm.

'Chiến thần livestream' Hà Linh kiếm tiền khủng thế nào? ảnh 3

Bên cạnh mỹ phẩm, Hà Linh còn review ẩm thực và gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: FBNV).

"Việc hoạt động trên hình thức Affiliate thay vì nhận booking là lựa chọn khó khăn đối với tôi và cả công ty. Chỉ nhận booking, tôi sẽ biết chắc chắn khoản tiền nhận về, không cần đụng chạm hay làm mất lòng bất cứ ai, êm đềm sống", cô chia sẻ.

Việc phát triển theo hướng đi này có phần mạo hiểm hơn khi thu nhập không hề ổn định. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho cả sản phẩm và ê-kíp rất lớn nhưng chưa biết khoản tiền thu về.

Cách làm của Hà Linh dễ dàng kiếm hàng nghìn USD?

Hình thức Affiliate Marketing được giới trẻ ngày nay quan tâm vì có thể kiếm tiền tại nhà. Điểm đặc biệt là bạn cần có kênh truyền thông đủ "mạnh". Đây từng được xem như cơ hội dành riêng cho những người nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên các trang mạng xã hội. Ngày nay, ai cũng có thể tự xây dựng tên tuổi cho riêng mình.

Trang Reliablesoft cho rằng, trước khi muốn kiếm tiền theo hình thức này, mọi người cần tạo một kênh giàu nội dung. Việc nỗ lực cung cấp giá trị cho người xem sẽ dần giúp xây dựng lòng tin và sự kết nối. Lâu dần, bạn có thể được định vị như chuyên gia trong ngành.

Điều này đúng với Võ Hà Linh khi cô đã bỏ nhiều thời gian, tiền bạc lẫn công sức để đầu tư ban đầu. Từ những video chỉ có vài trăm lượt xem trên YouTube vào năm 2019, cô hiện thu hút đến vài triệu lượt xem nhờ tạo được uy tín. Khi danh tiếng càng tăng lên, người xem sẽ có nhu cầu được nghe hướng dẫn và mua sản phẩm do chủ kênh đề cập đến.

Alex Chris - chuyên gia tư vấn Tiếp thị Kỹ thuật số có hơn 18 năm kinh nghiệm - tiết lộ, người mới bắt đầu có thể kiếm được 100 USD, thậm chí 1.000 USD mỗi ngày thông qua hình thức Affiliate Marketing.

"Đôi khi, Affiliate Marketing được thực hiện khéo léo đến mức chúng ta thậm chí không nhận ra mình đang nhấp vào một liên kết. Trung bình, thu nhập thụ động hàng năm của các nhà tiếp thị liên kết là 51.217 USD", Leyes chia sẻ.

Theo nghiên cứu của ông, 10% nhà tiếp thị liên kết ít nhất kiếm được 37.000 USD/năm. Trong khi đó, 10% thuộc top đầu có thể kiếm được hơn 70.000 USD/năm.

'Chiến thần livestream' Hà Linh kiếm tiền khủng thế nào? ảnh 4

Affiliate Marketing thu hút nhiều người trẻ vì thời gian linh hoạt, dễ dàng kiếm tiền khi đã xây dựng được kênh uy tín. (Ảnh: Entrepreneur).

Vì chọn hình thức này, Hà Linh nhận được nhiều sự ủng hộ từ dân mạng. Bởi những lời của cô nói ra đều dựa trên trải nghiệm bản thân, không cố tình quảng cáo "lố" để nhận tiền như nhiều KOL, KOC khác. Qua việc giúp nhiều thương hiệu "dọn sạch" kho chỉ trong hai phiên livestream cũng phần nào củng cố sức "nặng" của cô trong giới.

Chú trọng làm nội dung "sạch", review từ cái tâm đã giúp "chiến thần" thu về 1,9 triệu lượt đăng ký với 385 video trên YouTube. Tài khoản TikTok của Hà Linh hiện có 3,7 triệu lượt theo dõi. Những con số này được xem như khối tài sản lớn đối với một số người nổi tiếng.

Từ cô gái sinh ra trong gia đình khó khăn, Hà Linh hiện có cuộc sống hào nhoáng nhiều người mơ ước. Cô mua được nhà để báo hiếu mẹ, mua xe cho chị gái, đồng thời làm chủ công ty riêng. Cô cũng thường xuyên đi du lịch và sở hữu nhiều món hàng hiệu đắt đỏ.


Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/chien-than-livestream-ha-linh-kiem-tien-khung-the-nao-20230407072026867.htm

Theo Dĩ An/Dân trí
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.