Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Thanh lọc các video phản cảm để đem lại giá trị cho cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước làn sóng tẩy chay nội dung bẩn trên TikTok sau video phản cảm của TikToker Nờ Ô Nô, những người làm sáng tạo nội dung đưa ra bài học về việc tự "định giá" thương hiệu và định hướng nâng cao chuẩn mực trước xu hướng nghề nghiệp mới. 

Về sản phẩm của hoạt động sáng tạo là "hàng hóa ảo" nhưng đem lại tiền thật, người làm nghề sáng tạo nội dung tự đặt câu hỏi về tính bền vững và tìm cách nâng cao năng lực, chuẩn mực trước sự hòa nhập của xu hướng nghề nghiệp mới.

Tự "định giá" thương hiệu

Bên cạnh nhiều cơ hội phát triển, người sáng tạo nội dung hiện nay phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt bởi thị trường lao động đông đúc và sự "kén chọn" của người dùng.

Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok - app có lượt tải nhiều "chóng mặt" trong năm 2021 với format video ngắn dạng dọc trở thành xu thế thời đại. Vì vậy, cơ hội đem lại cho những người theo kịp xu thế, "bắt trend" là điều không cần bàn cãi.

Khi theo dõi nền tảng này, dễ thấy ai cũng có thể sáng tạo và sản xuất nội dung. Lượng người sáng tạo nội dung tăng lên kèm theo nhu cầu tiêu thụ nội dung trên mạng của nhóm người tiêu thụ cũng tăng theo, ngay cả những người sáng tạo nội dung cũng trở thành người tiêu thụ nội dung. Điều này đặt ra câu hỏi, mỗi TikToker cần có kế hoạch sáng tạo nội dung, chiến lượng marketing ra sao để "định giá" được thương hiệu của mình trước yêu cầu của xã hội và trong hoạt động thương mại.

Bạn Nguyễn Quốc Tuấn Minh (TikToker Minh Minh Minh hiện có gần 500 nghìn người theo dõi) là người sáng tạo nội dung chia sẻ kiến thức về tiếng Anh theo phong cách hài hước với mong muốn đem lại giá trị về giáo dục và giải trí đến với cộng đồng mạng. Sau sự vụ của TikToker Nờ Ô Nô (bị chỉ trích khi "làm việc tử tế" nhưng lại ứng xử thiếu văn hóa), Tuấn Minh thừa nhận, không phải ai cũng biết tự "định giá" thương hiệu của bản thân.

"Định giá" ở đây không chỉ là những con số trong hợp đồng truyền thông, quảng cáo mà còn là giá trị mà người sáng tạo nội dung mong muốn đem đến cho cộng đồng.

TikToker này thừa nhận, đối với người sáng tạo nội dung, việc nghĩ ra ý tưởng và luôn sáng tạo, đổi mới là vấn đề khá “đau đầu”. Chính vì vậy, mỗi khi bí ý tưởng, anh chàng thường không nghĩ nữa và đi làm việc nhà hoặc đi giao lưu với bạn bè. Bởi nếu cố nghĩ để ra ý tưởng, rất dễ sa đà vào những content trending nhất thời, giảm giá trị xã hội mà bản thân hướng tới.

"Mình cho rằng, để "định giá" được thương hiệu của mình với một màu sắc riêng cũng phải có kiến thức về nền tảng xã hội bởi nền tảng nào cũng sẽ có luật chơi của riêng nó. Vả lại, hãy chia sẻ video trên tâm thế "mình được thể hiện bản thân, mình được đem lại giá trị cho cộng đồng" rồi hãy nghĩ tới việc tăng tương tác, tăng lượt theo dõi để có nguồn thu từ quảng cáo", Minh chia sẻ.

Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Thanh lọc các video phản cảm để đem lại giá trị cho cộng đồng ảnh 1

Minh đang quay video chia sẻ về kiến thức tiếng Anh.

Còn Lê Huy (SN 2000, ở Hải Phòng) - người sáng tạo kênh 16 Memories có 1,6 triệu người theo dõi, gần 34 triệu người yêu thích trên mạng xã hội TikTok cho rằng, từng kênh sẽ mang lại một giá trị thật cho người xem khác nhau. "Chẳng hạn như kênh chia sẻ kiến thức, cập nhật tin tức, người xem sẽ tiếp thu được một lượng tri thức nhất định. Với các kênh review, người xem sẽ có thêm một nguồn thông tin tham khảo trước khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm gì đó. Với các kênh về ẩm thực, chia sẻ về nấu ăn, người xem sẽ biết thêm các quán xá ăn ngon, các công thức nấu ăn mới lạ, các mẹo làm bếp... Nói tóm lại, chất lượng nội dung - "hàng hóa ảo" càng có chất lượng cao thì giá trị nội dung đó đem lại càng lớn. Và những kênh càng mang lại nhiều giá trị thì sẽ càng có nhiều người theo dõi, mức ảnh hưởng, nguồn thu nhập tốt hơn."

Nâng cao chuẩn mực trước xu hướng nghề nghiệp mới

Chỉ tính riêng trong 5 tháng gần đây, cộng đồng mạng liên tục phải chứng kiến và đưa ra chỉ trích trước những video nhảm nhí, thiếu văn hóa, điển hình như 2 nữ hành khách tạo dáng, nhảy múa trên sân bay, cô gái vô tư ngồi tạo dáng trên băng chuyền hành lý, TikToker Nờ Ô Nô... Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn những video xấu độc hay ngăn cản những "TikToker "nửa mùa" sản xuất video dẫn dắt dư luận, nhưng người dùng đã dần nâng cao chuẩn mực, nâng cao tiêu chuẩn tiếp nhận nội dung để "thanh lọc" khỏi các video vô giá trị.

Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Thanh lọc các video phản cảm để đem lại giá trị cho cộng đồng ảnh 2

Ảnh minh họa.

Lê Huy cho rằng, đây là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo, chịu khó thay đổi, tiếp thu cái mới, cũng như đòi hỏi sự chăm chỉ rất lớn. Bên cạnh đó, mỗi khi không may gặp sai sót lớn cũng sẽ phải biết cách "chịu áp lực dư luận" (nền tảng nào cũng xảy ra điều này, không thể tránh khỏi vì có người sẽ góp ý mang tính xây dựng, có người sẽ chỉ trích...), cần tích cực học hỏi, thái độ cầu thị và trân trọng người xem.

Anh bạn cũng gợi ý, khi gặp những nội dung như của TikToker Nờ Ô Nô hãy bình luận, nêu ra quan điểm cá nhân để phản bác lại. Từ đó, một KOL rởm sẽ không bao giờ tồn tại và phát triển lâu dài được, nói cách khác là sẽ bị người xem phản đối, bài trừ.

Phân tích sâu hơn, Th.S. Bảo Trân (SN 1996, hiện sống tại Mỹ) vừa là bác sĩ, vừa tham gia vào hoạt động sáng tạo nội dung về lĩnh vực y khoa, cho rằng, người dùng sẽ có xu hướng chịu ảnh hưởng quan điểm, nguồn cảm hứng từ người hâm mộ (KOLs, người nổi tiếng...). Chúng ta cũng mong muốn được như họ, học hỏi những điều hay ho và tin tưởng họ. Đôi khi đơn giản chỉ vì “idol có thì người làm fan như mình cũng phải có để được như thần tượng”.

Chính vì vậy, nếu muốn nâng cao chuẩn mực của những người sáng tạo nội dung thì chính người dùng cũng phải "khắt khe" hơn nữa về nhu cầu tiêu thụ nội dung của mình. Mặc dù, thuật toán "gây nghiện" (gợi ý video cho người dùng) của TikTok đã phần nào tạo cơ hội cho những nội dung tiêu cực nhưng bằng hành động quyết liệt như báo cáo vi phạm, bình luận chỉ trích, cùng lên án tẩy chay... của người dùng sẽ nâng cao được chất lượng, chuẩn mực của mỗi sản phẩm sáng tạo.

Từ vụ TikToker Nờ Ô Nô: Thanh lọc các video phản cảm để đem lại giá trị cho cộng đồng ảnh 3

Ảnh minh họa: Internet

Đồng tình với việc nâng cao chuẩn mực trước xu hướng nghề nghiệp mới, chị Nguyễn Thu Hà (Trưởng phòng quản trị nhân sự của CTCP phát triển TMĐT Thế hệ mới MetaTop) cho biết, hiện nghề "content creator" đang là xu hướng vì nhiều doanh nghiệp đang chuyển đổi sang làm thương hiệu dài hạn cho công ty. Do đó, xu hướng tuyển dụng vị trí này cũng tăng và không tạo ra mất cân bằng với nhu cầu tuyển dụng các nghề khác, như: video editor, quay phim, biên tập viên, thiết kế..

Ngoài những tiêu chí, yêu cầu của bạn trẻ làm sáng tạo nội dung như kỹ năng viết, sáng tạo, lên kế hoạch content; cập nhật xu hướng content, thị hiếu của khách hàng; am hiểu về các kênh và đối tượng khách hàng của kênh; thái độ ham học hỏi, cầu thị... mà còn "khắt khe" hơn khi đánh giá về thái độ, nhân cách sống, lý tưởng sống.

Bởi lẽ, khi tham gia vào quá trình "truyền tải thông điệp" của bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, hay cá nhân nào, người làm sáng tạo nội dung cũng phải thể hiện được giá trị của mình thông qua lời nói trọng lượng, phát ngôn chuẩn mực để thuyết phục được khách hàng, đối tác. Từ đó mới có thể thu về lợi nhuận cho nhãn hàng, doanh nghiệp nhờ sự tương tác bền vững với tệp người dùng đang theo dõi.

MỚI - NÓNG