'Làm việc tử tế' nhưng lại ứng xử thiếu văn hóa, nam TikToker bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TikToker Nờ Ô Nô là nhân vật đang vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng bởi chiêu trò "câu view bẩn", dùng lời lẽ miệt thị, cách ứng xử thiếu văn hóa với người có hoàn cảnh khó khăn. 

Hiện tại, trang TikTok cá nhân của Nờ Ô Nô đã tạm khóa, không còn nội dung nào hiển thị sau khi bị cộng đồng mạng lên tiếng, kêu gọi tẩy chay.

Trước đó, trong loạt video với chủ đề “Một ngày tử tế”, "Người nghèo thích ăn gì mình cho ăn đó", nam TikToker này có hành động tiếp cận những người nghèo và hỏi họ thích ăn món gì sẽ mua tặng. Đi kèm với đó, TikToker này đã có những phát ngôn gây sốc phản cảm để biến hoạt động từ thiện vốn rất nhân văn thành "chiêu trò" câu view, tăng lượt tương tác.

Cụ thể, những phát ngôn, lời lẽ miệt thị của nam TikToker này với người có hoàn cảnh khó khăn là: “Đã nghèo còn bày đặt ăn cơm sườn", “Không hiểu vì sao người ta nghèo mà nghèo hoài”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”...

Video nổi bật nhất và bị phê phán nhiều nhất đó là clip ghi lại cảnh đối thoại với một bà cụ ngồi dưới trạm dừng xe bus. Nờ Ô Nô tới và hỏi thăm bà, tỏ ý muốn mua cho bà một món ăn mà bà thích kèm thêm những từ ngữ phản cảm: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn" hay "nghèo mà còn chê đồ ăn", "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu"…

Đây là một nội dung xấu độc điển hình mới xuất hiện gần đây trên TikTok và khiến người xem bị "dị ứng" nhưng lại trở nên viral một phần từ thuật toán "gây nghiện" của TikTok với người dùng.

'Làm việc tử tế' nhưng lại ứng xử thiếu văn hóa, nam TikToker bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội ảnh 1

Nờ Ô Nô - nam thanh niên TikToker bị cộng động mạng chỉ trích dữ dội

Sở hữu 3 triệu người theo dõi, TikToker Hà Linh (KOC mỹ phẩm) dành riêng một video để lên án về hành vi của Nờ Ô Nô. Cô cho rằng, nam thanh niên này "nghèo" văn hóa, "nghèo" trí thức, "nghèo" đạo đức. "Có thể là nghèo cả về vật chất nên mới bất chấp để lên những video câu like "rẻ tiền", kiếm tiền dựa trên những tiếng chửi của cộng đồng mạng.

Mọi người cần lưu ý và cùng lên án nội dung này, bởi từ thiện khác với việc đem sự nghèo khổ của người khác để làm content đi ngược với đạo đức", Hà Linh nói trong một video và thu hút 4 triệu lượt xem cùng nhiều bình luận đồng quan điểm.

Chị Nguyễn Thái Hà (Giám đốc tuyển dụng của VNOKRs, một trong những người sáng tạo nội dung trên TikTok với gần 300 nghìn lượt theo dõi) cũng đưa ra nhận xét, đánh giá về hành vi của nam thanh niên nói trên.

"Đây là một hành vi làm "vấy bẩn" công việc sáng tạo nội dung nói riêng và ngành marketing nói chung. Và mình cũng thực sự đặt câu hỏi cho những nhãn hàng, thương hiệu vẫn đang hợp tác với bạn TikToker này. Trong khi những người làm nội dung chân chính đang ngày càng đầu tư chất xám để sáng tạo nội dung có ích cho cộng đồng, có giá trị cho người dùng", chị Hà thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Hiện tại, không chỉ cộng đồng mạng, nhiều nghệ sĩ và KOL, KOC nổi tiếng cho biết cũng sẽ không làm việc với nhãn hàng nào mời Nờ Ô Nô, cũng như không ghé đến các quán ăn đã thuê TikToker này tới review. Đây là động thái thể hiện thái độ gay gắt của những người có sức ảnh hưởng chỉ trích những cá nhân đã và có ý định sử dụng chiêu trò câu view.

Không chỉ Nờ Ô Nô, trước đó, nhiều TikToker cũng đã bị chỉ trích bởi hành vi phản cảm gây "sốc.

Cụ thể, 3 trường hợp đáng chú ý gần đây đó là 2 nữ hành khách tạo dáng, nhảy múa trên sân bay để quay video và một cô gái vô tư ngồi tạo dáng trên băng chuyền hành lý tại sân bay với dòng trạng thái "Bất kệ đời". Mục đích của những cô gái này đơn giản chỉ để quay video đăng lên TikTok khoe "mình có vị trí, backgroud đẹp" hay "mình là người tạo ra trend" nhưng lại không lường trước được những hậu quả và sự lên án của cộng đồng ngay sau đó.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.