Cần Công khai kết quả tín nhiệm tại Quốc hội

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) phát biểu ý kiến thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) phát biểu ý kiến thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm nay, dự kiến Quốc hội (QH) sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

> QH thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, Luật Thủ đô
> Từ chức là ứng xử văn hóa đáng trân trọng

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu QH thảo luận ở tổ, một số ý kiến đề nghị, ngoài báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm cần bổ sung cơ chế cung cấp thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu bỏ phiếu cho khách quan như ý kiến từ cử tri, cơ quan quản lý, đại biểu QH hoặc ý kiến cấp ủy nơi cư trú, nơi làm việc... Một số ý kiến cũng đề nghị cung cấp thêm thông tin về đạo đức, lối sống quan hệ của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Về xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phân công cơ quan nào có trách nhiệm thẩm tra kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Người có số đại biểu đánh giá mức tín nhiệm thấp cần buộc phải từ chức chứ không thể quy định “có thể” như trong dự thảo và như vậy không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm nữa.

Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, có đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp người đang giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có sai phạm quá mức thì tiến hành bỏ phiếu luôn mà không cần chờ đến kỳ họp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những trường hợp trả lời chất vấn chưa đạt; bổ sung trường hợp QH bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở QH, HĐND.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc công bố tỷ lệ phiếu bầu cụ thể vì có thể gây áp lực, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cũng như khả năng lãnh đạo, điều hành của đồng chí giữ các cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

UBTVQH nhận thấy, lấy phiếu tín nhiệm là việc QH, HĐND thay mặt cho cử tri, nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, qua đó, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ được mức độ tín nhiệm của QH, HĐND đối với bản thân để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác của mình.

Đồng thời, cũng để nhân dân, cử tri biết để theo dõi, giám sát. Do đó, UBTVQH đồng ý với đề nghị của nhiều vị đại biểu QH là cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, Ban kiểm phiếu có trách nhiệm công bố công khai kết quả số phiếu cụ thể của từng người ngay tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả này còn được UBTVQH, Thường trực HĐND sử dụng làm căn cứ để trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm khi cần thiết.

Cách làm này cũng phù hợp với nguyên tắc công khai trong hoạt động của QH, HĐND.

Uy tín thấp không cần bỏ phiếu lần 2

Có ý kiến đề nghị nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ đạt dưới 50% tổng số đại biểu tín nhiệm thì cần chuyển ngay sang bỏ phiếu tín nhiệm hoặc nếu có trên 2/3 tổng số đại biểu không tín nhiệm thì trình QH, HĐND xem xét miễn nhiệm luôn.

UBTVQH cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 và quy định của Luật Cán bộ, công chức đã đặt ra yêu cầu: Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ.

Theo quy định của dự thảo Nghị quyết, người có hai năm liên tiếp tín nhiệm thấp (số phiếu “tín nhiệm thấp” chiếm trên 50% tổng số đại biểu) thì UBTVQH hoặc Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Hơn nữa, Nghị quyết cũng đã quy định khi người có tín nhiệm quá thấp (số phiếu “tín nhiệm thấp” chiếm trên 70% tổng số đại biểu) thì UBTVQH, Thường trực HĐND cũng có thể trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần hai.

Dự thảo Nghị quyết còn quy định người có tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ được giao, tránh việc phải bỏ phiếu tín nhiệm hoặc miễn nhiệm tại QH, HĐND.

Cơ quan hoặc người đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm người đó cũng có thể chủ động trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người có tín nhiệm thấp để điều động sang đảm nhiệm chức vụ khác phù hợp hơn.

Theo UBTVQH, quy định như dự thảo Nghị quyết vừa bảo đảm được tính linh hoạt, vừa đạt được mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm trong công tác cán bộ.

Không để các nhà khoa học phải nói dối

Chiều 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Một số đại biểu cho rằng, sửa đổi toàn diện Luật KHCN sẽ giải quyết được nút thắt về cơ chế tài chính, không để các nhà khoa học phải nói dối trong quyết toán tài chính đề tài.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, dự luật vẫn còn nặng về cấp phát kinh phí và quản lý cơ sở KHCN công lập mà chưa chú trọng đúng mức đến những yếu tố nhằm huy động nguồn tài chính ngoài công lập.

Theo ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM), việc áp dụng cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ đối với KHCN là những điểm mới, rất phù hợp, giúp giải phóng nhà khoa học.

Song cần phải có giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực bằng cách gắn các cơ chế này với tự chủ tài chính và trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG