Cận chiến với COVID-19: Những chiến binh thầm lặng

0:00 / 0:00
0:00
Điều dưỡng Ức Mi Sa chăm sóc bệnh nhân chuẩn bị chuyển viện
Điều dưỡng Ức Mi Sa chăm sóc bệnh nhân chuẩn bị chuyển viện
TP - Những ngày cuối tháng 8/2021, dịch bệnh COVID-19 như cơn sóng dữ càn quét TPHCM. Hậu quả để lại là hàng ngàn ca mắc mới, bệnh nặng liên tục tăng khiến đội ngũ nhân viên y tế vắt kiệt sức mình chạy đua với tử thần, giành giật từng mạng sống. Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày cũng như đêm, các bác sĩ, điều dưỡng lúc nào cũng khẩn trương để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng.

Căng như dây đàn

Gần 19 giờ tối, điều dưỡng Ức Mi Sa (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế cấp 4, kiểm tra dụng cụ để chuẩn bị bước vào ca trực đêm kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Bước qua cánh cửa khu cách ly, Ức Mi Sa đi một vòng quanh các giường bệnh để theo dõi tình trạng bệnh nhân và cẩn thận ghi thông tin sinh hiệu từng người vào hồ sơ.

Cận chiến với COVID-19: Những chiến binh thầm lặng ảnh 1

Điều dưỡng Ức Mi Sa

Kiểm tra xong khu bệnh nhẹ, Mi Sa chuyển qua khu điều trị bệnh nhân nặng đang thở máy. Hàng chục bệnh nhân nặng nằm im thoi thóp, chỉ có âm thanh của những máy thở. Đang chăm sóc, vệ sinh cho một bệnh nhân nặng, thấy bệnh nhân bên cạnh ngưng tim, ngưng thở, Mi Sa vội bấm máy gọi bác sĩ trực ở bên ngoài rồi lao qua cấp cứu.

Do khu bên ngoài cũng rất đông bệnh nhân đang cần xử lý trong khi mỗi ca trực chỉ có vài ba bác sĩ nên không thể vào kịp, chị vừa xử lý cho bệnh nhân vừa động viên “cố lên, cố lên” như tự động viên chính mình. “Trong lúc xử lý cho bệnh nhân và đợi bác sĩ đến, tôi lo lắm, chỉ sợ bệnh nhân có chuyện gì nên vừa động viên mình “cố lên” vừa cầu nguyện cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Đến khi bệnh nhân tỉnh lại, tôi vừa mừng vừa run”, Mi Sa tâm sự.

Vừa cấp cứu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở xong, Mi Sa liền được giao nhiệm vụ chuyển bệnh nhân từ khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường ở TP Thủ Đức.

Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, kiểm tra sinh hiệu, kiểm tra bình ô-xy rồi đưa bệnh nhân lên xe cứu thương. Một mình ngồi cạnh bệnh nhân trên xe cứu thương, vừa cố gắng bóp bóng bình ô-xy nhịp nhàng theo từng hơi thở, Mi Sa vừa hồi hộp vừa chăm chú quan sát bệnh nhân suốt quãng đường gần 20 cây số.

Khi chiếc xe cứu thương chạy được nửa đường, bệnh nhân đột ngột trở nặng, đôi tay chị vẫn không rời bóng ô-xy. Từng nhịp bóp bóng trở nên thận trọng hơn, từng giọt mồ hôi trên trán rơi xuống làm mờ kính ngăn giọt bắn. Dù lo lắng nhưng chị vẫn đủ bình tĩnh để xử lý, giúp bệnh nhân chuyển viện được an toàn.

“Lúc đó tôi tự nhắc mình phải thật bình tĩnh bóp bóng đúng để giữ bệnh nhân ổn định. Khi bệnh nhân thoát qua cơn nguy hiểm và được tiếp nhận chuyển đến buồng bệnh an toàn tôi mới yên tâm, thở phào”, Mi Sa chia sẻ.

Khi được hỏi “đối diện với nhiều F0 mỗi ngày như vậy có sợ không”, nữ bác sĩ Thu bày tỏ: “Sợ chứ, sợ để mình tự tìm cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm chứ không phải sợ mà rút lui. Đối diện với nguy hiểm ai cũng sợ nhưng dịch bệnh còn căng thẳng, bệnh nhân vẫn còn thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, cống hiến hết sức với mong muốn góp một phần nào đó mang lại cuộc sống bình thường cho mọi người”.

Trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy sau chuyến chuyển viện căng thẳng, Mi Sa cẩn thận kiểm tra lại thuốc men, thiết bị y tế, nữ điều dưỡng chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 ở TPHCM diễn biến phức tạp, lượng F0 tăng cao, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phải phân tán toàn bộ khoa Chấn thương sọ não, mở rộng khoa Cấp cứu.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc và theo dõi bệnh nhân, chuyển người bệnh trong khu điều trị của Bệnh viện Chợ Rẫy, các điều dưỡng kiêm nhiệm vụ chuyển F0 đến các bệnh viện điều trị COVID-19 khác.

Suốt 3 tháng ròng rã làm việc với hơn 200% sức lực, có những lúc mệt mỏi nhưng chưa một lần nào chị và các đồng nghiệp có ý định bỏ cuộc. “Mỗi ngày trực 12 tiếng liên tục, cách khoảng 6 tiếng mới ra uống nước một lần rồi lại vào tiếp tục công việc.

Căng thẳng, mệt mỏi nên khi về nhà tôi chỉ muốn nằm lăn ra ngủ vùi. Nhiều lúc cũng sợ bị lây nhiễm nhưng nếu cứ nghĩ tới nỗi sợ ấy hoài thì ai sẽ tiếp tục chăm sóc và điều trị cho người bệnh!”, nữ điều dưỡng tâm sự.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Hơn 3 tháng ròng chiến đấu cùng bệnh nhân nặng, Mi Sa từng đau đớn khi chứng kiến những bệnh nhân đột ngột chuyển nặng, tử vong ngay trước mắt. Cũng có những lúc chị thấy ấm áp, nhẹ nhõm khi bệnh nhân từng ngày hồi phục.

“Một mình ở xa gia đình, mùa dịch đi làm về mệt nhiều khi thấy tủi thân nhưng may mắn có sự động viên của gia đình và mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân hồi phục, mỗi lần chuyển người bệnh thành công, tôi cũng thấy ấm áp, nhẹ lòng và hạnh phúc vì mình đã làm được điều gì đó cho cuộc chiến đầy gian nan này”.

Cũng chinh chiến suốt thời gian dài tại khu cách ly tập trung ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, bác sĩ Phan Thị Hoài Thu, Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM vừa đảm đương công việc theo dõi, điều trị vừa chuyển F0 đến các bệnh viện điều trị COVID-19. Mỗi chuyến xe chuyển viện, có khi hàng chục bệnh nhân nhẹ có, nặng có, bệnh nhân mang bầu cũng có nên bác sĩ Thu luôn phải tập trung tối đa để theo dõi sát tình trạng từng người.

Vừa kiểm tra lại danh sách bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7 ở TP Thủ Đức, bác sĩ Thu vừa chia sẻ, đây là những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên việc chuyển viện cũng đỡ áp lực hơn. Dù bệnh nhân nhẹ nhưng suốt quãng đường di chuyển, chị vẫn phải quan sát, theo dõi kỹ từng bệnh nhân vì có những trường hợp bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Thu kể, có hôm đang trên đường chuyển viện thì một F0 mang thai bất ngờ chuyển dạ. Nữ bác sĩ cố gắng trấn an, động viên bệnh nhân cũng như yêu cầu tài xế chạy nhanh hơn. Cuối cùng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương an toàn. Các bác sĩ ở đây đã giúp bệnh nhân được mẹ tròn con vuông. “Hồi hộp suốt quãng đường dài, khi nhận tin bệnh nhân sinh con an toàn tôi vỡ òa sung sướng như chính mình vượt cạn”, bác sĩ Thu chia sẻ.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG