TPO - Bốn ngôi nhà tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, trong khi đó vết nứt dài hàng trăm mét, có điểm rộng tới 40-50cm tại xã Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn) khiến mặt đường tỉnh lộ 445 chia cắt có thể sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hòa Bình, khoảng 18h ngày 30/7, tại khu vực tổ 26 (sát quốc lộ 6), phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng sạt lở trên diện rộng, ảnh hưởng đến 29 hộ dân (một hộ có đất trống), trong đó có bốn căn nhà sụp đổ hoàn toàn xuống sông Đà.
Theo ghi nhận của phóng viên, 4 ngôi nhà bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Đà tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã bị cảnh sát phong tỏa, rào tôn ngăn với quốc lộ 6. Tại đây, luôn có lực lượng cảnh sát trực chốt bảo vệ hiện trường và an toàn cho người tham gia gaio thông.
Những ngôi nhà bị sạt lở đề đã bị đổ sụp, rạn vỡ tường và kết cấu ngôi nhà. Nhiều đồ đạc gia dụng bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Ngoài 4 ngôi nhà bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, còn có 25 căn hộ khác bị rạn nứt, sạt lở nghiêm trọng thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã di ton toàn bộ 29 hộ dân này tới nơi khác để đảm bảo an toàn.
Cận cảnh vết nứt toác tường tại một nhà dân tổ 26 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình.
Trong khi đó, gần một tuần sau sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, khu dân cư thuộc địa phận xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ (Kỳ Sơn, Hòa Bình) vẫn cắm biển cấm ô tô di chuyển qua khu tỉnh lộ 445. Tám hộ dân được chính quyền địa phương di tán tới nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, khu vực sạt lở tại xóm Máy Giấy xuất hiện nhiều vết nứt dài hơn 100m, có điểm rộng tới 40-50 cm, bao quanh 5 hộ dân.
Những vết nứt chia cắt tuyến đường tỉnh lộ 445 nối giữa huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) sang huyện Ba Vì (Hà Nội) có điểm rộng tới 40-50cm.
Cận cảnh vết nứt trước cổng nhà dân ven sông Đà thuộc sóm Máy Giấy, xã Dân Hạ.
Những vết nứt kéo dài hàng trăm mét bao quanh nhiều ngôi nhà khiến khu vực này luôn trong tình trạng sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào.
Nền đường nhựa tỉnh lộ 455 nứt toch, vỡ vụn.
Trong số những ngôi nhà ở xóm Máy Giấy, ngôi nhà mái bằng của ông Nguyễn Sơn Hà (SN 1962) bị nghiêng, xiêu vẹo, bung nền móng, tường gạch bị nứt gãy có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Mặt tỉnh lộ 445 nối địa phận huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đi Ba Vì (Hà Nội) bị cắt làm đôi. Một số hộ khác kế bên cũng bị ảnh hưởng bởi đường đứt gãy, buộc phải dời đi. Ngoài ra, bờ ta-luy dương nơi có nghĩa trang của người dân địa phương cũng bị sạt lở, nguy cơ bị sụt xuống sông.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Ngọc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết, tình trạng sạt lở bờ ta-luy dương tại xã Dân Hạ xuất hiện từ ngày 30/7, sau đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày và đập thủy điện Hòa Bình xả lũ. Sau khi xảy ra sụt lún, công an phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Kỳ Sơn đã di dời 4 hộ trong đó 3 hộ dân chủ động tới ở nhờ nhà người thân. Tới ngày 1/8, vết nứt kéo dài và mở rộng dọc tỉnh lộ 445 và lan vào một số hộ dân khác, chính quyền địa phương đã di dời họ về nhà máy sản xuất giấy Kỳ Sơn, cách hiện trường khoảng 1km. UBND huyện cùng chính quyền địa phương đã hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ dân di dời tới nơi an toàn để ổn định cuộc sống.