Campuchia cẩn trọng với vắc-xin Trung Quốc

Một mẫu vắc-xin của Sinovacảnh: Xinhua
Một mẫu vắc-xin của Sinovacảnh: Xinhua
TP - Đầu tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói Campuchia sẽ đặt hàng lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên thông qua chương trình Covax của Liên Hợp Quốc. Chương trình này hỗ trợ cung cấp cho 92 quốc gia thu nhập thấp nhiều loại vắc-xin, nhưng không bao gồm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. 

Ông Hun Sen nói sẽ chỉ tin và chấp nhận những loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận. “Campuchia không phải thùng rác, và không phải nơi dành cho vắc-xin thử nghiệm”, ông nói. 

Một ngày sau phát biểu của ông Hun Sen, Bộ Y tế Campuchia nói rằng phát biểu đó không có nghĩa là nước này tránh sử dụng vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc, mà ý là nước này sẽ chỉ mua các loại vắc-xin được WHO chấp thuận. Phát ngôn viên Bộ Y tế Or Vandine nói rằng báo chí đã trích dẫn sai phát biểu của ông Hun Sen theo nghĩa là Campchia sẽ không mua vắc-xin từ Trung Quốc. Dù giới chức Campuchia không nêu tên báo nào nhưng báo Nhật Nikkei Asia đăng bài viết có tiêu đề: “Campuchia tránh vắc-xin của Trung Quốc để chọn Covax”.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tích cực xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với Campuchia. Tháng 8 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Bắc Kinh sẽ ưu tiên cung cấp vắc-xin cho các nước ASEAN. Ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại cam kết này trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 10. 

Sovinda Po, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hợp tác và Hoà bình Campuchia, nói với South China Morning Post rằng có 3 lý do khiến Campuchia “cân nhắc kỹ” về vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. 

Trước tiên, Campuchia không cần khẩn cấp vắc-xin vì không bị đại dịch tác động nghiêm trọng như nhiều nước khác. Nước láng giềng Indonesia, với hơn 650.000 ca mắc, tuần trước đã nhận lô vắc-xin đầu tiên từ Trung Quốc để chuẩn bị tiêm chủng trước thềm cuộc bầu cử cấp địa phương. Campuchia đến nay mới có 362 ca được xác nhận và không có trường hợp tử vong nào, cho thấy dịch bệnh đang được khống chế ở nước này, bà Po nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng Thủ tướng Hun Sen phải bảo đảm rằng bất kỳ loại vắc-xin nào vào nước này sẽ không đảo ngược kết quả tốt của chính phủ.

Bà Po cho rằng việc Campuchia lưỡng lự với vắc-xin Trung Quốc cũng là tín hiệu gửi đến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rằng Campuchia không quá phụ thuộc vào Trung Quốc nên phương Tây cần tính lại chiến lược với Campuchia. 

Quan hệ giữa Phnom Penh với Washington trở nên căng thẳng từ vài tháng trước vì chuyện phá một cơ sở  do Mỹ xây dựng tại một căn cứ quân sự ở Ream, làm dấy lên đồn đoán rằng Campuchia có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc đồn trú, nhưng Campuchia nhiều lần phủ nhận thông tin này. 

Dù chưa biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, vắc-xin COVID-19 của Sinovac đã được cho sử dụng khẩn cấp từ tháng 7 năm nay trên các nhóm chịu rủi ro cao. Ông Adam Taylor, chuyên gia của Viện Y tế Griffith Menzies tuần trước viết trên trang The Conversation rằng việc cấp phép như vậy là quá sớm, “có thể gây lo ngại về khả năng không tuân thủ đủ quy trình an toàn”. 

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.