Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỗi năm ăn Tết ở một nơi xa, du học sinh Việt năm châu lại có cảm xúc bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến. Tự tay chuẩn bị món ăn truyền thống, gói bánh chưng... là cách để họ làm nên Tết, gợi lại ký ức về Tết bên gia đình của mình ở xứ người. 

Làm nên Tết từ những điều bình dị nhất

Tính đến nay, Hoàng Thu Trang (SN 1998) mới tốt nghiệp ngành Nghiên cứu và Công nghệ phát triển thực phẩm của trường Niagara College (Canada) đã ăn Tết xa nhà được 6 năm.

Trang luôn tâm niệm: "Tết là ở trong chúng ta". Nhưng đôi lúc cô lại nghĩ rằng, thôi không cần phải ăn Tết vì không có ai ăn Tết cùng ở nơi đất khách quê người. "Bất chợt, mình thử chủ động mời và rủ các bạn làm bánh chưng, bánh tét, ăn tất niên, ai cũng hào hứng và giúp chính mình gợi lại cảm xúc bồi hồi với Tết", Trang nói.

Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 1Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 2

Trang gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết ở Canada. Ảnh: NVCC

Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 3

Trang cùng những người thân ở Canada chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn. Ảnh: NVCC

Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 4Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 5

Một góc trang trí Tết của Trang. Ảnh: NVCC

Năm nay, vẫn như mọi năm ăn Tết xa nhà, Trang làm bánh chưng, gợi nhớ về tuổi thơ, về ký ức được ăn bánh chưng ngọt ông bà ngoại gói. Trang cũng sẽ làm cỗ, thắp hương, xem Táo Quân bởi cô muốn làm mọi thứ như những gì mình vẫn luôn làm trong ngày Tết ở nhà.

Nói về việc "làm mới" Tết xưa, Trang cho rằng, cô sẽ luôn dành sự tận tâm, chân thành, giản dị để giữ, duy trì, đem đến không khí vui vẻ, hạnh phúc khi ăn Tết ở Canada. Theo Trang, món ăn có thể cách điệu và khác biệt tuỳ theo khu vực, đất nước nhưng quan trọng vẫn là không khí gia đình quây quần bên nhau, làm nên Tết từ những điều bình dị nhất.

Với bạn Nguyễn Tiến Đăng Khôi, sinh viên năm nhất Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Tết này chàng trai sẽ tham gia vào các buổi tiệc của Hội người Việt tại Bỉ, Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ, hay bữa ăn tất niên của các nhà hàng Việt Nam tại đây.

"Mình nhớ hình ảnh gia đình sum họp trong những ngày Tết ấm áp tại nhà. Từ việc xếp bánh chưng cùng mẹ, đến những cuộc trò chuyện vui vẻ bên bố. Bất chợt, mình nhận ra rằng tình cảm gia đình không chỉ tồn tại ở một địa điểm cụ thể, mà còn tồn tại trong trái tim và ký ức của mỗi người. Dù nơi này có lạ lẫm, nhưng mỗi chi tiết nhỏ đều là một mảnh ghép hòa quyện của ký ức gia đình, khiến mình cảm thấy như những ngày Tết vẫn đang hiện hữu ngay trong trái tim", Khôi chia sẻ.

Là một du học sinh, Khôi cho rằng, những người trẻ như mình nên dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của Tết, đồng thời tham gia vào các hoạt động đón Tết truyền thống để gìn giữ nét đẹp văn hóa này cho thế hệ sau. Với Khôi, làm mới Tết xưa không đồng nghĩa với việc phá bỏ những giá trị truyền thống, mà tìm cách để những giá trị ấy tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong thế hệ trẻ.

Bước chân đến một nơi lạ lẫm, lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác “làm người lớn” với Khôi thật sự khó khăn. "Theo đuổi giấc mơ của mình đồng nghĩa với việc rời người thân, bạn bè, những người quan trọng với mình. Không thể ngồi gói bánh chưng, không thể đón đêm giao thừa hay được nhận lì xì từ gia đình. Nhưng các bạn hãy lấy điều đó làm động lực để mỗi ngày cố gắng hơn nữa. Vì chúng ta ở đây là có lý do, và chúng ta sẽ làm nên chuyện ở giữa lòng “trái tim châu Âu” này", Khôi nói.

Xoa dịu nỗi nhớ nhà bằng món ăn truyền thống

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Thạc sĩ TESOL, Huỳnh Huy Hoàng (SN 1997, quê ở Bình Dương) tiếp tục nhận học bổng toàn phần tiến sĩ của ĐH Monash (Úc), nhờ nghiên cứu về bản sắc cá nhân trong giảng dạy tiếng Anh trực tuyến của giáo viên Việt Nam.

Năm nay, Hoàng ăn Tết xa nhà nên có chút buồn, nhớ những dịp cận Tết được quây quần bên gia đình, chuẩn bị dọn dẹp, sắm sửa Tết. Để xoa dịu nỗi nhớ nhà, Hoàng đã đến chợ Việt Nam ở Úc để mua đồ trang trí như lì xì, hoa mai, hoa đào giả và các vật dụng trang trí khác mang đậm không khí Tết Việt. Nam du học sinh cũng có dự định sẽ đi chùa ở khu người Việt để cầu may vào ngày mùng 1 Tết. Ngoài việc chuẩn bị cho Tết, Hoàng cũng dành thời gian làm việc, hoàn thành các dự án nghiên cứu và kế hoạch nghiên cứu sinh của mình.

Cảm xúc đặc biệt của du học sinh Việt khi ăn Tết xa nhà ảnh 6

Hoàng (ngoài cùng bên phải) giao lưu cùng bạn bè dịp cận Tết ở Úc.

Bên cạnh đó, Hoàng dự định sẽ tự tay nấu một số món ăn truyền thống của Việt Nam như thịt kho hột vịt, chả giò rán, và canh khổ qua nhồi thịt để chia sẻ với bạn bè tại bữa tiệc Tết.

"Mình nghĩ rằng việc tự tay chuẩn bị những món ăn này không chỉ giúp mình thể hiện lòng tôn trọng và yêu mến với truyền thống văn hóa của dân tộc mình, mà còn là cơ hội để mình truyền đạt và chia sẻ về ý nghĩa của những món ăn này với bạn bè quốc tế. Tuy không thể về nhà ăn Tết, nhưng qua việc này, mình cảm thấy mình đã mang một phần không khí Tết Việt Nam đến với môi trường mới, tạo nên một kỉ niệm đáng nhớ và ý nghĩa trong dịp Tết này", Hoàng nói.

Khi đi xa, Tết có một ý nghĩa đặc biệt rất lớn trong Hoàng bởi đây là dịp để đánh dấu sự bắt đầu của một hành trình mới, một thử thách mới, môi trường mới. Hoàng chia sẻ thêm, trong bối cảnh nhiều thách thức mà du học sinh có thể gặp phải, Tết cũng trở thành cơ hội để kết nối với cộng đồng người Việt tại nơi đang sống, tạo dựng một không gian ấm cúng, gần gũi giữa xa xôi.

MỚI - NÓNG