Nhàn đàm:
Cái cặp lồng
TS Lê đăng Doanh nói trên một tờ báo rằng: Lạm phát như là một thứ thuế vô hình đánh vào người nghèo. Chí phải!
Tôi than phiền dạo này cơm bình dân tăng giá. Từ 20 ngàn đồng, lên 30 ngàn, hôm qua đã lên đến 40 ngàn đồng một suất. Mà sức lực như tôi một suất cơm bình dân chưa bõ bèn gì. Làm sao đây?
“Mang cơm đi ăn anh ạ” - vợ tôi gợi ý. Phải, phải, em thật thông minh.
Chúng tôi lục tìm cái cặp lồng đã cất vào tủ gần 20 năm nay.
Ôi, cái cặp lồng!
Ta ngỡ mãi mãi vĩnh biệt mi, để mi nằm yên trong bảo tàng như một chứng nhân lịch sử, ai mà ngờ...
Cái cặp lồng là sáng kiến tuyệt vời thời bao cấp.
Nhờ có nó mà cán bộ, nhân viên nghèo có được bữa ăn trưa.
Nó đã theo ta từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Nó đã vào thơ, ca, nhạc họa.
Cũng nhờ ăn chung cơm trong chiếc cặp lồng mà ta đã gặp em, vợ ta bây giờ.
Nó là nhân chứng của tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng chứ còn gì nữa!
Rồi đất nước đổi mới, có cái ăn, cái mặc, có bữa cơm trưa ăn ở cơ quan, ở nhà hàng, ở quán cơm góc phố.
Gần 20 năm ta rời xa cái cặp lồng, ta ngỡ đã quên, quên hẳn.Thế mà...
Tìm mãi, không thấy cái cặp lồng ngày xưa.
Ta đã vứt nó đi, hay nó tủi thân bỏ đi rồi .
À phải. Trên ti vi vừa giới thiệu phong trào “cặp lồng”.
Người ta đã đoán trước được khó khăn về kinh tế hay sao ấy, mà cặp lồng lại được sản xuất.
Nào cặp lồng nhôm, cặp lồng nhựa, cặp lồng inox .
Nào cặp lồng nhỏ, cặp lồng to, cặp lồng giữ nóng, cặp lồng cắm điện. Có cái vài chục, có cái vài trăm, có cái cặp lồng sang trọng giá cả triệu.
Đúng là thời buổi thị trường .
Ôi, thời bão giá, khó khăn có khác chi thời bao cấp !
Cái cặp lồng lại trở về với ta .
Hoan hô cái cặp lồng!