Chương trình Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999-16/7/2024). |
Chương trình do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay. |
Tham dự ngày hội có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội. |
Hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội vào năm 1954 được tái hiện sinh động tại chương trình "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình". |
Tại buổi lễ có khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn - gồm nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã và các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế. |
Nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội văn hóa vì Hòa bình” hôm nay nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. |
Đặc biệt hơn nữa, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô. |
Ngày hội với 3 chủ đề chính: “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội - dòng chảy di sản” và “Hà Nội Thành phố hòa bình-Thành phố sáng tạo”. Chương trình tái hiện lại những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ, giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. |
Bên cạnh đó, “Ngày hội văn hóa vì Hòa bình” còn là dịp để chúng ta tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người. |
Các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, lâu đời của Thủ đô. |
Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" từ UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Đồng thời, xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. |