Xã nông thôn mới:

Cái cần chưa có, cái có chưa cần

Chợ Long Hưng trống vắng. Ảnh: Xuân Lương
Chợ Long Hưng trống vắng. Ảnh: Xuân Lương
TP - Hiện nay, nhiều xã ở ĐBSCL đã đạt được phần lớn trong số 19 tiêu chí “nông thôn mới”. Tuy nhiên, không ít công trình xây dựng hoành tráng nhưng sử dụng không hiệu quả hoặc bỏ hoang, trong lúc nhu cầu cấp thiết lại thiếu.

Trung tâm văn hóa lèo tèo


“Tổng vốn đầu tư trung tâm văn hóa hết 14,3 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 1 người vào thư viện đọc sách và truy cập internet miễn phí”, ông Nguyễn Văn Nhơn, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội xã Đại Thành (Ngã Bảy, Hậu Giang), cho biết. Con số cụ thể, trong 6 tháng có 177 người đến đọc sách và truy cập internet. Thư viện có hơn 3.100 cuốn sách xếp đầy các kệ trong ngôi nhà khang trang, còn internet miễn phí có 5 bộ máy vi tính nối mạng tốc độ cao.

“Được trên đầu tư thì nhận chứ một số công trình vượt quá nhu cầu hiện tại của người dân thôn quê”.

Ông Cao Chí Công

Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng, xây dựng để xã Đại Thành đạt 19 tiêu chí, được công nhận “xã nông thôn mới” đầu tiên ở ĐBSCL vào ngày 24/12/2013. Trên diện tích hơn 1 ha, đấy thực chất là một khu đa chức năng rất hoành tráng ở vùng nông thôn. Bên cạnh thư viện là phòng truyền thống, đài truyền thanh, hội trường, phòng làm việc và bên ngoài là sân bóng đá, bóng chuyền.

Ông Cao Chí Công, Phó chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết xã được đầu tư tổng cộng 380,86 tỷ đồng để xây dựng các công trình đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trong đó, người dân đóng góp gần 27%, còn lại là tiền ngân sách và của doanh nghiệp. “Được trên đầu tư thì nhận chứ một số công trình vượt quá nhu cầu hiện tại của người dân thôn quê”, ông Công thừa nhận.

Chợ trống vắng

Xã Long Hưng (Mỹ Tú, Sóc Trăng), một trong 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng, nay đã đạt 14 tiêu chí. Một trong những tiêu chí đã đạt là khu chợ, theo Phó chủ tịch UBND xã Võ Văn Nam, xây chợ tốn hơn chục tỷ đồng, vì chỉ riêng tiền bồi thường đất đã khoảng 10 tỷ. Xây dựng từ năm 2012, nay đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhà lồng chợ nhưng… bỏ trống.

Ông Nam cho biết, chợ cũ họp phía bên kia sông đã từ lâu đời, hình thành khu dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất. Tuy nhiên, quy hoạch “xã nông thôn mới” đặt chợ bên này sông để xây cho khang trang thì người dân lại không vào. “Rất khó khăn bởi người dân đã quen với chợ cũ, nay vận động vào chợ mới không dễ chút nào”, ông nói.

Ở tỉnh Đồng Tháp, chợ xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự) xây dựng hết 1,2 tỷ đồng, đưa vào hoạt động ba tháng nay, cũng trống vắng. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hải giải thích, chợ “trống vắng” do gần với chợ trung tâm thị xã Hồng Ngự và người dân chưa quen. “Phấn đấu xã nông thôn mới nên xây chợ và chúng tôi đang vận động, dần dần người dân sẽ quen mà vào”, ông Hải hy vọng.

Trong thị xã Hồng Ngự, chợ xã An Bình B cũng trống vắng. Chợ này xây dựng năm 2010, hết gần 1 tỷ đồng từ ngân sách, nhằm tạo nơi mua bán cho người dân ở cụm dân cư 600 hộ để xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Chỉ vài tháng lúc mới khánh thành khá nhộn nhịp, dần dần tiểu thương bỏ đi, nay chỉ còn 2 người bán rau và cá, ngồi lọt thỏm buồn hiu giữa nhà rộng lớn.

Khát điện

Xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) cũng trong 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng, đã đạt nhiều tiêu chí nhưng người dân lại đang rất “khát điện”. Riêng ấp Hòa Tân có hàng trăm hộ dân, hơn 6 tháng nay khiếu nại khắp nơi vì bị cúp điện liên miên. Ông Nguyễn Quốc Nhặt, 51 tuổi, ở ấp Hòa Tân, than thở: “Bình quân mỗi ngày cúp vài chục lần, có khi cúp cả ngày. Do cả ấp chỉ có một bình hạ thế 15 kWA, nếu cùng lúc, cả ấp bật ti vi thì sẽ bị cúp điện vì quá tải”.

Ông Đạo Nguyễn cũng ở ấp Hòa Tân cho biết, ngành điện bảo muốn có thêm nguồn điện, phải đầu tư 120 triệu đồng mua cột, bình hạ thế, dây điện. Dân nghèo không kham nổi mà xã cũng nghèo. Trong lúc, không thể chuyển kinh phí làm các công trình khác của xã nông thôn mới, sang kéo điện vì như Phó chủ tịch UBND xã Trương Hoàng Khai giải thích: “Kinh phí kéo đường điện của ngành điện lực. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với ngành điện xây dựng thêm đường dây hạ thế nhưng chưa được giải quyết”.

Trước tình hình ấy, một gia đình khá giả đã mua riêng một bình hạ thế 50 kWA. Thừa nhu cầu cho gia đình, hộ này bán điện cho nhiều hộ khác với giá từ 3.000 đồng/kWh trở lên.

MỚI - NÓNG
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
TPO - Sáng 5/5, tại tỉnh Điện Biên, cùng với các khối diễu binh, diễu hành trên mặt đất, các biên đội trực thăng vũ trang của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tham gia chương trình tổng duyệt, trước khi bay trình diễn chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây.