'Cải cách tiền lương gắn với kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức cho nên cũng phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến năm 2024 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong đó nội dung thẩm tra sâu sắc đầy đủ.

Qua đánh giá cho thấy tình hình kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, tín hiệu đáng mừng nhưng khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm khó, cũng như kế hoạch 5 năm đòi hỏi phải có quyết tâm cao.

'Cải cách tiền lương gắn với kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức' ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, theo kế hoạch của Trung ương thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Theo ông, đây là bước đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, có tính chất cải cách, còn thực chất đã điều chỉnh nhiều lần rồi.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, vấn đề quan trọng không chỉ điều chỉnh tiền lương mà còn gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức. Hai việc này đi liền với nhau.

"Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức nên phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ. Phải có biện pháp xử lý với những người làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí đưa ra khỏi bộ máy những người thiếu năng lực. Chúng ta phải làm cả hai mặt chứ không chỉ cải cách tiền lương không”, ông Định nêu rõ.

Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho rằng, việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương tới đây phải thật sự phù hợp và tương đồng. "Làm sao để cán bộ cơ sở cũng như các ngành, lĩnh vực khác có sự tương đồng với nhiệm vụ, trách nhiệm, tránh có nơi thu nhập cao, có nơi thấp hơn, trong khi nhiệm vụ thì như nhau", ông lưu ý.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT - cho rằng, vấn đề năng suất tác động lớn tới tăng trưởng, nếu tăng 1% thì giúp tăng GDP 0,94 điểm phần trăm.

Theo ông Huy, với mức tăng thấp của năng suất lao động vừa qua, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2023, mà khả năng đạt tăng trưởng bình quân 5 năm là 6% cũng rất thách thức. Do đó, ông đề nghị Chính phủ quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực.

“Năng suất lao động muốn tăng cần cả quá trình, nhưng đây là yếu tố quan trọng, nên Chính phủ cần quan tâm thêm”, ông Huy nói và đề nghị cần nhận diện điểm nghẽn, đưa ra giải pháp cụ thể gắn với các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể gắn với khoa học công nghệ và triển khai tích cực để cải thiện chỉ tiêu này, đóng góp cho tăng trưởng.

'Cải cách tiền lương gắn với kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức' ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự kiến năm này có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%.

Về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như báo cáo của Chính phủ. Cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, cơ quan thẩm tra đề nghị nhấn mạnh giải pháp tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

MỚI - NÓNG