Cải cách phải tốt hơn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Sau một kỳ thi “quay như đèn cù”, hôm qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục đưa ra các ý định nhằm đổi mới tiếp cung cách tổ chức kỳ thi quốc gia “hai trong một”, cụ thể là “tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015” nhưng sẽ có một số điều chỉnh để “phù hợp thực tiễn”.

Có thể hiểu rằng, bộ đầu ngành đã nhận thấy những bất cập của kỳ thi quốc gia lần đầu tổ chức nên đã có những điều chỉnh.

Tuy nhiên, nếu xét theo những gì mà ngành giáo dục toan tính, có thể nói khả năng lặp lại những bùng nhùng, lộn xộn của kỳ thi vừa qua là khó tránh, có khác chăng là những rắc rối mang màu sắc, dạng thức mới mà thôi.

Bởi nói như một số chuyên gia, thí sinh chịu áp lực phải đỗ còn người ra đề cùng lúc phải nhắm đến nhiều loại mục tiêu mà không phải lúc nào cũng nên song song tồn tại: vừa “đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp (!), vừa đảm bảo chất lượng để các trường đại học lấy làm căn cứ xét tuyển. 

Chuyện đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp rõ ràng là ưu tiên của các nhà giáo dục cơ sở, giáo dục phổ thông và các quan chức phụ trách lĩnh vực, nhưng nhiều khi lại mâu thuẫn với nhu cầu của các trường đại học khi muốn tuyển được đầu vào đảm bảo chất lượng mà không được quyền tuyển lựa trực tiếp. 

Mặc dù ý tưởng gộp hai kỳ thi làm một là tốt như đã được nói, được phân tích nhiều lần, nhưng với những điều kiện hiện tại, khi hệ thống đánh giá các cấp học chưa được chuẩn hóa, vẫn mang tính hình thức và căn bệnh thành tích vẫn chưa có cơ chế loại bỏ tận gốc, việc gộp hai kỳ thi làm một vừa không đạt mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, giảm chi phí cho xã hội mà còn tạo ra những rắc rối mới trong công tác thi cử và tuyển sinh.

Ý định tốt nhưng đặt ra mục tiêu quá cao, quá tham vọng đã dẫn đến thất bại. Nếu muốn chỉnh sửa, đổi mới thi cử, phải nhìn tận gốc rễ vấn đề và nói thẳng ra là phải chấp nhận thực tế là chúng ta chưa đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi “hai trong một”.

Đã có nhiều chuyên gia cho rằng, bộ chủ quản đã quá ôm đồm trong tuyển sinh năm vừa qua và những ý định chỉnh sửa mới được đề cập vẫn chưa thực sự giải quyết vấn đề này.

Kỳ thi năm vừa qua cho thấy, với điều kiện hiện tại, hãy để các trường đại học chủ động lo công tác tuyển sinh của họ, trả lại công tác tổ chức thi tốt nghiệp PTTH cho các sở địa phương.

Tuy đây không phải là cung cách lâu dài, nhưng ít nhất nếu chưa tìm ra phương cách hay hơn, hợp lý hơn, chưa tích lũy đủ điều kiện để cải tổ thành công thì ít ra cũng đừng làm tình hình tệ hơn trước.

MỚI - NÓNG