Cách phòng tránh các phần mềm nghe lén trên smartphone

Nghe lén, hay lớn hơn là đánh cắp thông tin và biến smartphone thành 'gián điệp'
Nghe lén, hay lớn hơn là đánh cắp thông tin và biến smartphone thành 'gián điệp'
TPO - Không phải từ sau vụ 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị phát hiện nghe lén, người ta mới biết đến thực trạng này, tại Việt Nam và trên thế giới.

Chuyện không còn mới

Edward Snowden có lẽ là cái tên không còn xa lạ trên toàn thế giới, với những tiết lộ động trời về các chương trình theo dõi của tình báo Mỹ trên khắp thế giới, trong đó có nghe lén.

Tại phương Tây, nơi quyền riêng tư cá nhân rất được coi trọng, công nghệ bảo mật lên đến mức rất cao, nhưng tất cả đều có thể, và dễ dàng bị nghe lén.

Tại Việt Nam, công nghệ phát triển quá nhanh, cùng với cơn bão smartphone tràn vào thị trường, nhanh hơn nhiều so với tốc độ hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân, dẫn tới việc bảo mật thông tin là điều rất khó thực hiện.

Rất nhiều người dùng smartphone mà không biết hết các tính năng hoạt động của nó, dẫn tới dễ dàng mắc những sai lầm và biến thiết bị của mình thành một “gián điệp”.

Chỉ cần search “phần mềm nghe lén điện thoại” trên mạng internet là có thể dễ dàng tìm thấy những website chia sẻ phần mềm nghe lén cũng như đánh cắp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, email và thậm chí vị trí chính xác của người dùng.

Các phần mềm này được cung cấp dưới dạng trả phí, tức là nó được sử dụng như là công cụ để theo dõi lẫn nhau (ví dụ: vợ cài phần mềm gián điệp vào máy để theo dõi chồng).

Tuy nhiên, qua vụ việc 14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén vừa được Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - PC50 công bố, có lẽ những tài khoản dùng thử cũng đã bị theo dõi và lấy đi thông tin, tuy không cung cấp cho người trả tiền.

Bên cạnh những phần mềm công khai này, còn có rất nhiều phần mềm ẩn, các mã độc được cài vào các ứng dụng và tung lên kho ứng dụng, khi người dùng cài đặt ứng dụng, mã độc sẽ xâm nhập vào máy và sẵn sàng đánh cắp thông tin.

Hết sức nguy hại

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu như các nguyên thủ thế giới bị nghe lén vì những bí mật quốc gia, quân sự, thì chúng ta – những người dân thường, sẽ mất gì khi bị nghe lén?

Trên thực tế, việc nghe lén nói riêng và thực tế là đánh cắp toàn bộ thông tin của chiếc smartphone nói chung, sẽ dẫn tới nhiều nguy hại khôn lường, dù cho bạn là ai.

Ví dụ đơn giản, mật khẩu các tài khoản ngân hàng của người dùng có thể bị đánh cắp khi truy cập để thanh toán qua thanh toán trực tuyến e-banking. Khi có được đầy đủ thông tin, hacker có thể dễ dàng rút số tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng, chuyển tới 1 tài khoản khác nhẹ nhàng.

Với việc theo dõi toàn bộ thông tin từ tin nhắn, cuộc gọi tới email, lịch sử trình duyệt, hình ảnh, video hay vị trí của máy… của người dùng, hacker hay kẻ xấu sẽ còn có thể làm được nhiều hơn thế, ví dụ chiếm lĩnh quyền sử dung máy, tấn công mạng (DDOS) …

Nghe lén, chỉ là 1 phần của việc ăn cắp toàn bộ thông tin và biến chiếc smartphone thành một gián điệp thông minh di động.

Cách phòng tránh

Cảnh giác, là điều đầu tiên cần nhớ khi sử dụng các thiết bị thông minh. Chỉ nên sử dụng các ứng dụng quen thuộc, đông đảo người dùng trên kho ứng dụng. Đọc những lời bình luận của ứng dụng trên kho ứng dụng để có được thông tin tham khảo (chỉ tham khảo, vì những lời bình luận có thể dễ dàng được “cài cắm” từ chủ nhân ứng dụng).

Không sử dụng các trang web tải ứng dụng ngoài kho ứng dụng chính thức, App Store của Apple và Google Play cho Android. Những phần mềm hay ứng dụng được tải về từ trang web hoàn toàn có thể đã bị cài mã độc.

Khi duyệt web trên thiết bị di động, cũng cần tỉnh táo để không click vào những đường link lạ. Tốt nhất, chỉ nên tới các trang web chính thống, đông người dùng để đảm bảo an toàn.

Cảnh giác với các phần mềm diệt virus hay chặn spyware trên các thiết bị di động. Rất nhiều phần mềm dạng này gắn các mã độc có thể khiến smartphone của bạn bị theo dõi.

Tránh xa các trang web cung cấp dịch vụ theo dõi, nghe lén trên mạng, nên nhớ, để theo dõi được, phần mềm này sẽ lấy đi tất cả thông tin và biến smartphone đó thành gián điệp, có thể sử dụng cho mục đích xấu.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.