Người biểu tình tại Washington ngày 26/10 với các biểu ngữ phản đối chương trình do thám bí mật của NSA. Ảnh: TTXVN. |
Trong đó đề cập việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bắt đầu được trao quyền thu thập, theo dõi với số lượng lớn các cuộc điện thoại và trên mạng Internet như thế nào trong kế hoạch săn tìm các phần tử khủng bố al-Qaeda cũng như cách thức tòa án giám sát chương trình do thám này.
Thông tin do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đăng tải cùng ngày cho biết cựu Tổng thống George W. Bush lần đầu tiên đã cho phép NSA tiến hành các hoạt động do thám vào tháng 10/2001 như là một phần của Chương trình Giám sát Khủng bố ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9.
Chính Tổng thống Bush đã tiết lộ về chương trình này vào năm 2005. Chương trình Giám sát Khủng bố ban đầu được gia hạn bằng một sắc lệnh của tổng thống sau mỗi khoảng thời gian từ 30-60 ngày.
Cuối cùng, chương trình này đã được thay thế bằng Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài, trong đó yêu cầu cần phải có một tòa án bí mật cho phép việc thu thập dữ liệu này.
Ngoài ra, ông Clapper cũng công bố một số văn bản của Tòa án liên bang từ các vị giám đốc tình báo tiền nhiệm trong đó bảo vệ lập luận cần phải giữ chương trình này bí mật.
Trước đó, một vị thẩm phán từng yêu cầu chính quyền giải mật tất cả các dữ liệu đã bị tiết lộ như là một phần của kế hoạch đánh giá lại toàn diện chương trình do thám của NSA đã bị cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đưa ra công khai, gây phản ứng phẫn nộ trong và ngoài nước Mỹ.
Trong buổi họp báo cuối năm hôm 20/12, Tổng thống Barack Obama đã ám chỉ việc ông sẽ xem xét một số thay đổi trong việc thu thập dữ liệu các cuộc điện thoại của người dân Mỹ với số lượng lớn.
Động thái này của ông Obama diễn ra một tuần sau khi một thẩm phán liên bang tuyên bố chương trình do thám của NSA là “vi hiến” và Ban thanh tra gồm năm thành viên đã trình lên Tổng thống Obama báo cáo về hoạt động giám sát của các cơ quan tình báo nước này với 46 khuyến nghị thay đổi đối với hoạt động của NSA.
Theo Vietnam+