Cách nào giúp Gen Z kiểm soát cảm xúc, hành vi tiêu cực?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến văn hoá ứng xử, thái độ, hành vi, tâm lý của các bạn trẻ Gen Z có tính chất vô lễ, bạo lực với chính cha mẹ, cô giáo... gây bức xúc trong xã hội. Về nội dung này, chuyên gia tâm lý giáo dục, nhà nghiên cứu xã hội học đã gợi mở giải pháp giúp giới trẻ hình thành nhận thức, thái độ, hành vi và cách thể hiện suy nghĩ, cảm xúc một cách tự do, an toàn.

Giữ - xây dựng tiếng nói chung giữa cha mẹ và trẻ

Có một số trường hợp trẻ vị thành niên chịu hệ luỵ từ các tệ nạn xã hội, hoạt động giải trí không lành mạnh đã hình thành hành vi độc hại, tiêu cực đối với người thân xung quanh.

Chia sẻ về chủ đề này, TS. Cao Xuân Liễu - Giảng viên Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nhận định, không phải bây giờ mới xuất hiện những hiện tượng đau lòng và thương tâm như vậy. Khoan bàn đến chuyện không kiểm soát được cảm xúc của đứa trẻ, mà hãy bàn tới chuyện đây là hồi chuông tiếp theo cảnh báo về mối quan hệ rạn nứt, có dấu hiệu đổ vỡ, đứt gãy giữa các thế hệ trong gia đình.

Cách nào giúp Gen Z kiểm soát cảm xúc, hành vi tiêu cực? ảnh 1

TS. Cao Xuân Liễu - Giảng viên Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ.

Sự chia tách tiêu cực hay đứt gãy là hệ quả của nhiều tham số khác nhau, không chỉ là yếu tố giáo dục của gia đình. Các nhà quản lý xã hội, các nhà giáo dục học, đạo đức học, văn hóa học… cần nhìn ở nhiều chiều. Đó có thể là sự ảnh hưởng rất lớn của những áp lực cơm áo gạo tiền của người lớn, có thể là áp lực học tập hay mối quan hệ bạn bè của trẻ, hay thậm chí từ những ảnh hưởng tác động không đáng mong muốn từ thế giới ảo.

Theo TS. Liễu, giai đoạn từ 14 tuổi đến 16 tuổi, đứa trẻ chưa ổn định về mặt tâm tính và nhân cách. Trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện các cấu trúc tâm lý cá nhân, đặc biệt là tính cách nên việc có những hành vi bộc phát, tiêu cực là hệ quả của sự dồn nén. Giai đoạn tuổi này, trẻ chưa có sự điều tiết linh hoạt giữa các mặt trong cấu trúc của tính cách như mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt hành vi. Vậy nên, khi mặt thái độ và hành vi nổi lên, nó sẽ "che mờ" đi mặt nhận thức.

Bất cứ xã hội nào, thể chế nào thì gia đình cũng là nền tảng của xã hội. Từ cổ chí kim, giáo dục đầu tiên và bao giờ cũng xuất phát từ gia đình. Nhưng càng lớn lên thì đứa trẻ càng rời xa gia đình, và khi đó chịu sự tác động giáo dục từ các yếu tố khác nhưng giáo dục gia đình vẫn là then chốt. Nó hun đúc và hình thành tính cách cho trẻ từ khi còn nhỏ.

"Nhiều phụ huynh và ngay bản thân tôi nhiều lúc cũng than phiền rằng chúng ta đang “dạy con trong hoang mang” vì không biết phải làm như thế nào cho đúng, cho phù hợp với trẻ và xu thế phát triển xã hội. Người lớn đang cố tìm cách tốt nhất để giáo dục đứa trẻ, hướng nó trở thành công dân tốt, có trách nhiệm chứ chưa cần nói đến tài giỏi, xuất chúng. Và chúng ta đã làm bằng nhiều cách khác nhau, kể cả có những biện pháp nhiều khi phản tác dụng như trách phạt, kỷ luật thép", TS. Liễu nói.

Vì vậy, muốn tìm tiếng nói chung với con trẻ, người lớn cần đứng trên nhiều góc độ nhận thức, kinh nghiệm và lối tư duy hành xử để giữ, xây dựng tiếng nói chung; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh lối suy nghĩ và hành vi đạo đức hiện thời của trẻ.

Kéo giới trẻ khỏi những hình mẫu "lệch chuẩn"

Từ một số sự việc "nổi loạn" của một số bạn trẻ với người thân, thầy cô giáo vừa qua, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên nhận định, đó là minh chứng của sự thiếu hiểu biết, suy nghĩ của trẻ về hành vi vi phạm pháp luật. Điều này cũng cho thấy, dường như các bạn đang bị bỏ rơi, không có người để sẻ chia, giải tỏa những bí bách ức chế trong bản thân mình. Vì thế dễ nảy sinh các hành vi tiêu cực.

Theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, tâm lý đặc trưng của các bạn học sinh, sinh viên có phần thiếu suy nghĩ, bồng bột, chưa chín chắn, trải nghiệm cuộc sống còn ít. Trẻ dễ nhạy cảm về mặt cảm xúc, dễ buồn, dễ vui, dễ thù hận nhưng cũng rất dễ tha thứ.

Cách nào giúp Gen Z kiểm soát cảm xúc, hành vi tiêu cực? ảnh 2

TS. Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên.

Vì thế, những tác động từ môi trường bên ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến các em. Từ cách cha mẹ giáo dục, dạy dỗ, quan tâm chăm sóc con cho đến việc giáo dục của thầy cô ở trường, xem gì, nghe gì trên mạng xã hội… cũng đều có thể ảnh hưởng và chi phối các suy nghĩ hành vi của các em.

Các em coi cha mẹ, thầy cô hoặc những người các em thần tượng là hình mẫu, tấm gương để noi theo, bắt chước. Và khi những hình mẫu này chưa thực sự gương mẫu hoặc chuẩn mực trong lối sống thì người trẻ có thể học theo, tập nhiễm những thói xấu.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung trên mạng không được kiểm duyệt, cộng với sự thiếu hiểu biết của trẻ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

"Vì thế, cha mẹ không nên giáo dục con kiểu áp đặt hoặc bạo lực mà nên tôn trọng, tư vấn và định hướng cho các quyết định của con mình. Nhất là dành thời gian để kéo gần khoảng cách, chấp nhận lắng nghe mọi vấn đề của con thay vì vội vàng nóng giận. Khi đó, trẻ sẽ kìm hãm được cảm xúc tiêu cực, không nảy sinh hay bắt chước hành vi tiêu cực trên mạng xã hội để phản kháng, chống đối lại cha mẹ", TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.