Hơn 85% sinh viên được khảo sát lên mạng xã hội hàng ngày với mục đích gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” do Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tiến hành khảo sát trên 26.300 sinh viên trên cả nước, với 85,1% sinh viên lựa chọn “lên mạng xã hội” là việc họ làm hàng ngày, trong đó với mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%.

Để phục vụ quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Ban Thư ký T.Ư Hội SVVN thực hiện Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay”. Đề tài được khảo sát trên tổng số 26.331 sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Gia đình đóng vai trò quan trọng với mỗi sinh viên

Kết quả đề tài khảo sát cho thấy, mục đích học tập của sinh viên phản ánh xu hướng lựa chọn vì giá trị của bản thân. Họ mong muốn có thể học hỏi kiến thức và kỹ năng nhằm tìm kiếm việc làm để khẳng định mình và giúp đỡ gia đình, xã hội. Về tác nhân ảnh hưởng, bên cạnh quyền tự quyết của sinh viên thì gia đình vẫn đang đóng vai trò quan trọng đối với sinh viên trong học tập.

Riêng “chi phí học tập”, gia đình có ảnh hưởng lớn nhất (chiếm 81%). Gia đình đóng vai trò không chỉ dừng lại ở việc chu cấp chi phí học tập mà còn là nguồn động lực để sinh viên vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập.

Từ những phân tích này, cho thấy, nhà trường cần có những giải pháp kết nối, duy trì mối quan hệ với gia đình sinh viên nhằm mục đích vừa giám sát và vừa hỗ trợ cho việc học tập của sinh viên một cách tốt hơn.

Hơn 85% sinh viên được khảo sát lên mạng xã hội hàng ngày với mục đích gì? ảnh 1

Ba khó khăn lớn nhất đối với sinh viên là: áp lực về kết quả học tập (61.9%); chi phí học tập (51.4%) và “không hứng thú với ngành học” (40.8%). Vấn đề “không hứng thú với ngành học” cũng thực sự rất đáng lo ngại. Phân tích dữ liệu định tính cho thấy, có mối liên hệ giữa nhóm sinh viên “chọn trường do áp lực của gia đình” với việc họ lựa chọn “không hứng thú với việc học”.

Kết quả khảo sát cho thấy, đứng trước những khó khăn trong học tập, sinh viên thế hệ gen Z có xu hướng tự thân giải quyết vấn đề gặp phải. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy vai trò quan trọng của bạn bè và cố vấn học tập với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 56.6% và 39.5%.

Khởi nghiệp trở thành xu hướng quan trọng

Khi nhận định về các giá trị tinh thần quan trọng và yếu tố để đạt được thành công, đại bộ phận sinh viên có xu hướng xem trọng các giá trị đạo đức, lối sống; trong đó yếu tố khát vọng và hoài bão được đánh giá quan trọng cao nhất. Điều này thể hiện ở khía cạnh sinh viên đánh giá đây là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của sinh viên hiện nay và cũng là những tố chất để thành công trong tương lai.

Dữ liệu định tính cho thấy, sinh viên Việt Nam trong khảo sát này không thờ ơ với thời cuộc mà ngược lại, họ rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến xã hội và tình hình của đất nước. Từ đó, sinh viên cho rằng học tập và rèn luyện một cách tốt nhất là cách sinh viên cần làm để thể hiện trách nhiệm công dân của mình.

Về định hướng giá trị nghề nghiệp, sinh viên cho thấy họ có định hướng nghề nghiệp khá rõ ràng, đại bộ phận sinh viên dự kiến làm việc ở khu vực tư nhân và “khởi nghiệp” đang trở thành một xu hướng quan trọng đối với sinh viên. Hình mẫu lý tưởng trong nghề nghiệp của sinh viên phụ thuộc vào chuyên ngành và những người nổi tiếng các bạn ngưỡng mộ.

Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên có xu hướng muốn chỉ là chính mình với phiên bản tốt nhất trong tương lai. Ba giá trị mà họ đề cao ở nghề nghiệp trong tương lai là “lãnh đạo có tầm nhìn”, “thu nhập cao” và “môi trường làm việc năng động sáng tạo”. Điều này cho thấy sự khác biệt của sinh viên thế hệ gen Z với các thế hệ trước, họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc và định hướng phát triển của tổ chức qua vai trò của người lãnh đạo.

“Lên mạng xã hội” là việc sinh viên làm hàng ngày

Mạng xã hội được xác định là một nhân tố tác động lớn đến các khía cạnh đời sống, nhận thức của đại bộ phận sinh viên. Kết quả khảo sát từ 26.331 sinh viên cho thấy, gần như tất cả sinh viên đều sử dụng Facebook và Zalo với tỷ lệ rất cao (97.8% và 97%).

Ngoài Facebook, Zalo, Instagram và Tiktok cũng là hai dịch vụ mạng xã hội được sinh viên sử dụng rất nhiều với tỷ lệ lần lượt là 84.7% và 85.6%. Xu hướng đáng chú ý là sinh viên thường dùng cùng một lúc nhiều dịch vụ mạng xã hội khác nhau. 85,1% sinh viên lựa chọn “lên mạng xã hội” là việc họ làm hàng ngày.

Ngoài mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%, thì 89,8% sinh viên trong mẫu khảo sát này coi mạng xã hội như là kênh để “liên lạc với bạn bè, người thân”. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là nơi để họ thể hiện quan điểm cá nhân (68%) và xây dựng hình ảnh cá nhân (52,5%)…

Hơn 85% sinh viên được khảo sát lên mạng xã hội hàng ngày với mục đích gì? ảnh 2

Đánh giá về ảnh hưởng của mạng xã hội, sinh viên đều cho rằng ảnh hưởng của mạng xã hội thể hiện cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, tích cực thể hiện ở khía cạnh về tiếp nhận thông tin nhanh chóng, mở rộng quan hệ xã hội phục vụ cho học tập, giải trí và công việc.

Ở chiều ngược lại, việc tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm sinh viên bị “lệ thuộc” và “lười suy nghĩ” ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cảm xúc. Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp sinh viên bị lừa đảo, quấy rối tình dục hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội.

Kết quả khảo sát cho thấy 3 địa điểm mà sinh viên chọn để giải trí nhiều nhất là “Ở nhà” (69.6%); “Quán xá” (66.7%) và “Trung tâm mua sắm/siêu thị” (41.8%). Kết quả về địa điểm giải trí là tại gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi hệ lụy của đại dịch COVID-19, trong các ý kiến phỏng vấn sâu, sinh viên cũng có đề cập đến ảnh hưởng này. Ngoài việc ăn uống, mua sắm, xem phim thì nhà sách/thư viện cũng là điểm đến được sinh viên ưa chuộng.

Một điểm đáng lưu ý, những trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên hay nhà văn hóa vốn là những nơi thu hút sinh viên tới rất đông trước đây thì hiện nay lại ít được quan tâm khi chỉ có 7,4% sinh viên lựa chọn. Điều này cho thấy có xu hướng chuyển dịch thói quen giải trí từ những không gian tập thể mang tính cộng đồng sang những không gian mang tính cá nhân, nhóm nhỏ gắn liền với nhu cầu tiêu dùng.

MỚI - NÓNG