Cả làng lập chốt giữ rừng

Chốt bảo vệ được dựng ngay trên con đường độc đạo lên rừng. Ảnh: H.Văn
Chốt bảo vệ được dựng ngay trên con đường độc đạo lên rừng. Ảnh: H.Văn
TP - Trước cảnh rừng bị tàn phá mỗi ngày, người dân làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) tự nguyện lập tổ bảo vệ, chung tay truy đuổi những kẻ phá rừng. Không ít lần đám lâm tặc phải bỏ của chạy lấy người. Sức mạnh cộng đồng luôn là nỗi khiếp sợ của cái ác.

Trưởng làng Đinh Thái cho biết, tổng diện tích rừng tự nhiên của làng là 618 ha từ khu vực suối Tà Má (thuộc làng Hà Ri) đến khu vực suối nước Tấn (thuộc thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp), với nhiều lâm sản quý như chò, muồng, hương, cà te…  từng trở thành miếng mồi béo bở của đám lâm tặc. Những cây to bị đốn ngã, hệ sinh thái rừng bị đảo lộn, lực lượng chức năng mỏng vẫn gồng mình đối phó với nạn phá rừng trái phép. “Làng sống được nhờ rừng, rừng bị phá thì dân làng sống không yên. Làng sẽ đứng ra giữ rừng” – ông Đinh Thái giọng chắc nịch.

Nửa đêm vào rừng bắt lâm tặc

Sau cuộc họp làng, thống nhất đề xuất với UBND xã, tổ bảo vệ rừng cộng đồng làng Hà Ri chính thức ra mắt ngày 1/6/2015. Làng Hà Ri hiện có 142 hộ (514 nhân khẩu), với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là người Ba Na.

“Việc người dân làng Hà Ri lập chốt bảo vệ rừng, phối hợp cùng chính quyền và ngành chức năng giúp hạn chế nạn phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép cũng như phòng chống cháy rừng hiệu quả, rất đáng để học hỏi và nhân rộng”.

Ông Phạm Văn Thơm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp

Lúc đầu tổ chỉ có 30 thành viên, sau đó dân trong làng ủng hộ nhiệt tình, số thành viên trong tổ hiện lên tới 90 người. Nhiệm vụ của các thành viên là thay phiên nhau túc trực, tuần tra, nếu có dấu hiệu của lâm tặc thì phải thông báo ngay và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ; phát hiện và tham gia ngăn chặn kịp thời nếu có xảy ra cháy rừng…

Hai cha con Đinh A Lưng (50 tuổi) và Đinh Văn Mổ (20 tuổi) thay nhau cùng tham gia công tác của tổ. Trong những chuyến tuần tra băng rừng lội suối, họ không ít lần đối mặt với lâm tặc. Hỏi có sợ bị lâm tặc tấn công không, Mổ lắc đầu nhanh nhảu: “Thanh niên cả làng này đều thế, chẳng cần vũ khí gì, chỉ cần có sức khỏe, đôi chân dẻo dai lội rừng và tâm huyết với rừng thì lâm tặc đều phải sợ hết”.

Có hôm  vừa đi rẫy về, ngồi vào mâm cơm thì điện thoại reo báo có lâm tặc đang chuyển gỗ từ trong rừng, Mổ bỏ chén, gọi điện cho các anh em khẩn trương vào rừng. Khi các thành viên của tổ cùng lực lượng chức năng đến thì đám lâm tặc nghe động đã bỏ của tháo chạy. 26 người kéo gỗ từ trên núi Hòa Dưng về giao cho cơ quan chức năng xử lý. Chuyện bỏ bữa hay đêm đang ngon giấc lại bỏ vào rừng để bắt lâm tặc không còn xa lạ. Ai cũng hào hứng, cảm thấy vinh dự vì được chung tay góp một phần công sức cho công việc cộng đồng.

24/24 giờ canh rừng

Chốt bảo vệ được dựng ngay trên con đường độc đạo dẫn vào rừng. 12 giờ trưa, Đinh Văn Cần (30 tuổi) và Đinh A Lưng (50 tuổi) đang túc trực tại chốt. Còn một người nữa vừa chạy về nhà ăn cơm. Ở đây ai cũng vậy, cơm thì ăn ở nhà, tối đói thì chế mì tôm nhưng chưa một ai vắng mặt nếu không có lý do thuyết phục và có người thay thế. Theo lịch trực, cứ 3 người/ ca/ ngày đêm. Ngoài nhiệm vụ đi tuần, các thành viên này quan sát nếu thấy xe vận chuyển của lâm tặc thì lập tức thông báo với tổ trưởng, cùng phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết.

Cả làng lập chốt giữ rừng ảnh 1

Thay nhau túc trực tại chốt bảo vệ 24/24 giờ.

Đinh Văn Cần chia sẻ, trước kia do chưa hiểu biết nên từng đi chở gỗ thuê nhưng sau đó được vận động, vỡ lẽ thì nghỉ hẳn, vợ chồng làm rẫy, chăn nuôi và tham gia các hoạt động hữu ích ở làng. Cần cũng là một trong những người tham gia tổ bảo vệ rừng sớm nhất. Nước da rám nắng, đôi chân lội rừng tuần tra dẻo dai, những thanh niên to khỏe trong làng như Cần đứng trong tổ bảo vệ khiến lâm tặc phải chồn chân tháo chạy mỗi khi bắt gặp. Có khoảng 50% thành viên trong tổ từng có quá khứ như Cần. Giờ thì một lòng căm ghét lâm tặc, một mực giữ rừng.

Đinh Kơi – công an viên kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cho biết, mỗi tháng tổ triển khai hai đợt tuần tra lớn (15 người/ đợt), ngoài ra mỗi phiên trực các thành viên cũng đi tuần, quan sát và báo cáo tình hình. Các thành viên khác cũng luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống khẩn cấp. Số điện thoại của trưởng làng, tổ trưởng trở thành đường dây nóng, khi phát hiện khai thác rừng. Từ khi thành lập đến nay tổ đã tham gia phát hiện khoảng 20 vụ khai thác rừng trái phép, giao nộp cho chính quyền, ngành chức năng xử lý. “Nhưng thành công lớn nhất là dân ở đây ai cũng nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, căm ghét cái xấu, lâm tặc tàn phá rừng. Sự đồng lòng của dân chính là sức mạnh để chiến thắng mọi thế lực muốn phá hoại” – Đinh Kơi nói.

MỚI - NÓNG