Cả châu Âu hướng về Vilnius

TP - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du qua ba quốc gia châu Âu, trong đó điểm nhấn là Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, Litva, nơi mà người đứng đầu Nhà trắng được cho là sẽ có tiếng nói quan trọng đối với tương lai của Ukraine trong liên minh quân sự này.

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Biden hạ cánh xuống sân bay Stansted (Vương quốc Anh) và ông lập tức lên trực thăng Marine One để đến trung tâm London, nơi người đứng đầu Nhà trắng gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 phố Downing vào thứ Hai (10/7). Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Biden tới Phố Downing với tư cách tổng thống. Sau đó, Tổng thống Mỹ tới Lâu đài Windsor để gặp Vua Charles.

Cả châu Âu hướng về Vilnius ảnh 1

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Tổng thống Zelensky trước một phiên làm việc về Ukraine trong Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, ngày 21/5. Ảnh: Reuters

Tối 10/7, ông Biden đến thủ đô Vilnius của Litva để hội đàm với các nhà lãnh đạo NATO vào ngày 11 và 12/7.

Trong một cuộc phỏng vấn được CNN công bố ngày 9/7, ông Biden kêu gọi thận trọng trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và nói rằng liên minh có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột với Nga do hiệp ước phòng thủ chung.

“Tôi không nghĩ có sự nhất trí trong NATO về việc có nên kết nạp Ukraine vào liên minh hay không ở thời điểm hiện tại, giữa một cuộc xung đột”, ông Biden nói.

Đồng thời cho biết ông đã nói chuyện rất lâu với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về vấn đề này, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp an ninh và vũ khí cho Ukraine giống như đối với Israel.

“Tôi nghĩ chúng ta phải vạch ra một con đường hợp lý để Ukraine có thể đủ điều kiện gia nhập NATO”, ông Biden nói và lưu ý rằng ông đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cam kết không kết nạp Ukraine vì liên minh duy trì chính sách mở cửa.

Ông Zelensky cho biết, lời mời Kiev gia nhập NATO sẽ gửi đi thông điệp rằng liên minh phòng thủ phương Tây không sợ Mátxcơva. Ukraine nên nhận được các đảm bảo an ninh rõ ràng dù nước này chưa thuộc NATO, và ông Zelensky nói rằng đó sẽ là một trong những mục tiêu của ông ở Vilnius.

“Tôi sẽ ở đó và sẽ làm bất cứ điều gì có thể để xúc tiến giải pháp đó, để đạt được thỏa thuận với các đối tác của chúng tôi”, ông Zelensky nói trong chương trình This Week của ABC được phát sóng hôm 9/7.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cho biết, ông Zelensky sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, ông không hứa Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO sau khi chiến sự ở nước này kết thúc.

Hoạt động đáng chú ý nữa của ông Biden khi tới Litva là bài phát biểu tại Đại học Vilnius vào tối 12/7.

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng, bài phát biểu sẽ đề cập tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Biden về “một nước Mỹ mạnh mẽ, tự tin, cùng với các đồng minh và đối tác đối phó với những thách thức quan trọng của thời đại, từ xung đột Nga - Ukraine đến khủng hoảng khí hậu”.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông Biden sẽ là Helsinki để hội đàm với lãnh đạo Phần Lan - nước thành viên mới nhất của NATO và tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ - Bắc Âu.

Vilnius biến thành “pháo đài” trước thượng đỉnh

16 đồng minh NATO đã gửi tổng cộng 1.000 binh sĩ đến bảo vệ hội nghị thượng đỉnh ngày 11 - 12/7, diễn ra tại khu vực cách Belarus 32km và cách Nga 151km.

Tổng thống Litva Gitanas Nausea nói: “Sẽ là vô trách nhiệm nếu để bầu trời của chúng ta không được bảo vệ khi ông Biden và các nhà lãnh đạo của 40 quốc gia đang đến”.

Các nước vùng Baltic gồm Litva, Estonia và Latvia đều đã chi trên 2% GDP cho quốc phòng. Tỷ lệ này lớn hơn so với hầu hết các đồng minh NATO khác. Nhưng đối với khu vực có tổng dân số khoảng 6 triệu người, điều này là không đủ để duy trì đội quân lớn, hay đầu tư vào máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không tiên tiến.

Đức đã triển khai 12 bệ phóng tên lửa Patriot, dùng để đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hoặc máy bay chiến đấu. Trong khi đó, theo AP, Tây Ban Nha đã triển khai hệ thống phòng không NASAMS, còn Pháp gửi pháo tự hành Caesar. Pháp, Phần Lan và Đan Mạch đang đặt các máy bay quân sự ở Litva, trong khi Anh và Pháp cũng cung cấp khả năng chống máy bay không người lái.

Ba Lan và Đức đã cử lực lượng đặc nhiệm tới Litva. Những nước khác đưa thiết bị để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân tiềm ẩn nào.

Đối với Tổng thống Nausea, nỗ lực của liên minh nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong cuộc gặp mặt của các nhà lãnh đạo đồng nghĩa với việc NATO cần khẩn trương thiết lập hệ thống phòng không thường trực ở các quốc gia vùng Baltic.

Ông nói với phóng viên: “Chúng tôi nghĩ về những gì có thể xảy ra sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc và chúng tôi sẽ làm việc với đồng minh để tạo ra một lực lượng luân phiên bảo vệ trên không”.

Tại các ngôi làng ở biên giới Litva giáp Belarus, người dân địa phương nói với Reuters rằng, họ cảm thấy an toàn, bất chấp việc Belarus đề nghị tiếp nhận lực lượng Wagner sau cuộc binh biến ở Nga và việc Belarus hiện đang lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga.

Litva đã tăng gấp ba lần lực lượng được triển khai để bảo vệ biên giới với Belarus và Nga trong mùa hè, đồng thời tăng cường các sĩ quan từ Latvia và Ba Lan.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phương Tây được cho là sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, đồng thời chỉ ra những gì mà Kiev cần phải làm để trở thành thành viên liên minh vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tin liên quan