Ngày 28/8, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, trong năm 2023 địa phương ghi nhận 8 ca mắc sởi và nghi ngờ sởi. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến ngày 27/8/2024, toàn tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 21 ca mắc bệnh sởi.
Trước việc ca bệnh sởi tăng cao, ngành y tế tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm phòng chống dịch bệnh sởi trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, nhất là tại TPHCM đã công bố dịch sởi.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín (thứ tư từ trái sang) chủ trì họp với các đơn vị chuyên môn bàn phương án ứng phó dịch sởi |
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch kịp thời theo quy định ngay khi ghi nhận ca bệnh.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bình Dương được giao nhiệm vụ phân tích dịch tễ học, nhận định diễn biến của dịch bệnh, xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế phù hợp.
Ngoài ra, ngành y tế Bình Dương đã bố trí đầy đủ vắc xin sởi cho các đối tượng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Các cơ sở y tế được yêu cầu bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và điều trị ca mắc sởi.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương kiểm tra vắc xin phòng ngừa bệnh sởi |
Trẻ em tại Bình Dương đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi |
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, bệnh sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, một người bệnh có thể lây nhiễm cho hàng chục người khác. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ mắc bệnh nền.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành y tế Bình Dương khuyến cáo người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng dịch, không lơ là, chủ quan.