Ngày 12/6, thông tin từ HCDC cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh sởi, Các ca bệnh tập trung chủ yếu tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn. Số bệnh nhân mắc sởi tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Cuối tháng 5, thành phố chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhưng trong 2 tuần đầu của tháng 6, bệnh sởi xuất hiện ngày càng nhiều.
Trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh sởi ở mức rất cao nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Ảnh: Vân Sơn |
BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, qua điều tra dịch tễ, các trường hợp nhiễm bệnh đều chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi. Nguyên nhân trẻ chưa được tiêm phòng là do gia đình bận hoặc trẻ thường xuyên bị bệnh.
TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Một số ít trường hợp lây qua dịch tiết, ghèn mắt. Trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh sởi ở mức cao.
Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.
Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, năm 2019 cả nước đã xảy ra đợt bùng phát dịch sởi. Theo chu kỳ trong thời gian 4 đến 5 năm, sởi sẽ lây lan thành dịch một lần nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong năm nay là rất cao. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, thành phố đã bị gián đoạn nhiều loại vắc xin trong đó có vắc xin ngừa bệnh sởi.
Hiện nay, vắc xin ngừa sởi đã được cung ứng, đủ đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa cho trẻ trên toàn thành phố. Ngành y tế kêu gọi các gia đình có trẻ nhỏ đưa trẻ đi tiêm ngừa sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Trước tình hình dịch sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế TPHCM đã ban hành kế hoạch tiêm bù vắc xin nhằm tăng tỷ lệ bao phủ phòng bệnh và giám sát phát hiện ca bệnh để khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang chủ động rà soát danh sách trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, mời trẻ chưa được tiêm sởi ra trạm y tế tiêm phòng, rà soát lịch sử tiêm chủng tại trường mầm non và khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi tiêm.