Ứng phó với sự thay đổi của mô hình bệnh tật và dịch bệnh mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa thực hiện chương trình Chuyển giao kĩ thuật và tặng trang thiết bị điều trị cho tuyến dưới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước diễn biến mô hình bệnh tật như trên cùng với tốc độ già hoá dân số, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu rất quan trọng mà y tế cơ sở đóng vai trò then chốt (y tế cơ sở bao gồm y tế xã, phường và các TTYT huyện, bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực…).

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ cùng với sự thay đổi cơ cấu bệnh tật, nhiều dịch bệnh mới nổi xuất hiện; bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, chiếm đến khoảng 80% số tử vong. Các bệnh không lây nhiễm phổ biến là tăng huyết áp, đái tháo đường, thận mạn tính, COPD…

“Chúng ta phấn đấu để làm sao để người dân ngày càng khám chữa bệnh nhiều hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở; đặc biệt các TTYT huyện, bệnh viện đa khoa huyện có thể điều trị, làm chủ ngày càng nhiều hơn những kĩ thuật cao trong khám chữa bệnh. Điều này không chỉ giúp người dân được thụ hưởng y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở mà còn góp phần giảm tải cho tuyến trên”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Ứng phó với sự thay đổi của mô hình bệnh tật và dịch bệnh mới nổi ảnh 1

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại chương trình chuyển giao kĩ thuật

“Chương trình chuyển giao kỹ thuật và tặng trang thiết bị điều trị cho Trung tâm Y tế huyện Văn Giang” không chỉ là một chương trình y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, chương trình còn thể hiện ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cam kết trong nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe, tăng cường năng lực y tế cơ sở để người dân ngày càng được thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai – đơn vị được Bộ Y tế giao chuyển giao kĩ thuật điều trị bệnh thận nói chung, thận nhân tạo nói riêng cho TTYT huyện Văn Giang phải thực hiện việc chuyển giao, đào tạo chặt chẽ, sát sao “cầm tay chỉ việc” để cán bộ y tế tuyến dưới nhanh chóng vững chắc chuyên môn, kĩ thuật.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh, ngoài chuyên ngành thận nhân tạo, UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Y tế Hưng Yên thống kê, đánh giá lại nhu cầu phát triển chuyên môn y tế trên địa bàn, chuyên ngành nào cần hỗ trợ tiếp tục thì trao đổi với Bộ Y tế. “Khi tỉnh có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo, điều tiết các bệnh viện đầu ngành phù hợp hỗ trợ”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Ứng phó với sự thay đổi của mô hình bệnh tật và dịch bệnh mới nổi ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân đang điều trị tại huyện Văn Giang

Đối với TTYT huyện Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu ngay sau khi tiếp nhận thiết bị y tế được hỗ trợ cần sử dụng hiệu quả; đồng thời cần cử cán bộ có chuyên môn để nhận đào tạo, chuyển giao kĩ thuật về bệnh thận và thận nhân tạo từ các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai.

Tại chương trình, Tập đoàn Ecopark đã trao tặng 1 hệ thống lọc RO và lọc rửa quả lọc; 5 máy chạy thận nhân tạo trị giá hơn 2 tỉ đồng cho TTYT huyện Văn Giang. Thay mặt tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lời cảm ơn đến sự quan tâm của Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tỉnh Hưng Yên cũng như các vấn đề an sinh xã hội khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hiện Hưng Yên có 3 đơn vị y tế triển khai việc thực hiện lọc máu cho người bệnh thận, trong khi theo ước tính toàn tỉnh có hơn 1.000 bệnh nhân; riêng tại huyện Văn Giang có khoảng hơn 100 bệnh nhân. Điều này cho thấy nhu cầu chạy thận nhân tạo của bệnh nhân mắc bệnh thận trên địa bàn huyện Văn Giang khá lớn và cần khoảng 20 máy chạy với công suất 3ca/ ngày.

“Bệnh viện Bạch Mai có kinh nghiệm chuyển giao kĩ thuật chuyên ngành này. Bệnh viện đảm bảo chuyển giao sát sao để các thầy thuốc của TTYT huyện Văn Giang làm chủ kỹ thuật và an toàn cho người bệnh”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng nói.

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.