Thuốc lá lậu mua đâu cũng có
Cũng theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, thiệt hại mà buôn lậu gây ra cho nền kinh tế là rất lớn nhưng không có cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê để từ đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Nói đến nạn buôn lậu thì phải nói đến buôn lậu thuốc lá. Sau khi xem truyền hình Việt Nam và truyền hình an ninh TV phản ánh, đại biểu Cương đã tự đi thực tế để mục sở thị tình trạng này tại một số tỉnh phía Nam.
“Qua chuyến đi thực tế, tôi nhận thấy một số điều như sau: Thứ nhất, vận chuyển thuốc lá lậu tại những thời điểm khá công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày. Như ở Châu Đốc, xe máy chở thành từng tốp từ 1 đến 4 giờ sáng. Sáng hôm sau, sau khi đi khảo sát tại chợ Châu Đốc, anh em nói tôi phải qua Long An trước 13 giờ. Chúng tôi đã phải trì hoãn ăn trưa để 12 giờ 30 có mặt tại đoạn đường quốc lộ 62, tức là cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng vài trăm mét đến thị trấn Kiến Tường, đoạn đường này dài khoảng 3 cây số. Chắc là các đại biểu thắc mắc là tại sao phải đến đó vào thời điểm trên? Vâng theo tiết lộ thì đó là khung giờ mà bọn buôn lậu đã mua được. Quả nhiên là sau khi đến đó được vài phút thì xe máy chở thuốc lá chạy rầm rầm với tốc độ kinh hoàng dù phát hiện chúng tôi chụp ảnh và quay phim.
Thứ hai là thuốc lá lậu bán công khai khắp mọi nơi như chợ Châu đốc (An Giang), chợ Kiến Tường (thị trấn Kiến Tường), chợ Tuyên đốc ở Long An cho đến chợ Học Lạc (TP Hồ Chí Minh). Có trưng bầy hay không trưng bầy nhưng mua thuốc gì cũng có và thưa Quốc hội đây là số thuốc lá mà tôi đã mua được trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh phía Nam.
Thứ ba là trong 3 ngày đi thực tế tôi chỉ có mong rằng một lần được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không gặp bất cứ lực lượng nào. Tôi không phủ nhận kết quả cũng như những cố gắng mà lực lượng chống buôn lậu đã làm được trong thời gian qua nhưng tôi muốn nói lên một thực tế của chuyến đi là nếu không tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thì tình trạng này sẽ gia tăng, nhất là vào dịp từ bây giờ đến chuẩn bị Tết âm lịch”.
Đại biểu Cương đề nghị: “Bên cạnh việc chống buôn lậu thì việc tăng cường các giải pháp khác cũng cần xem xét một cách kỹ lưỡng. Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế khi cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình tôi cho là cần thiết nhưng hiện tại loại thuốc lá sản xuất trong nước rẻ nhất khoảng 10 nghìn đồng/1 bao trong khi đó nhiều loại thuốc lá lậu tôi mua chỉ có 4 nghìn đồng/1 bao. Như vậy thì việc tăng giá thuốc lá trong nước lại vô tình kích cầu cho buôn lậu trong khi công tác chống buôn lậu lại chưa mang lại nhiều kết quả.
Một vấn đề nữa đó là đề nghị về việc tiêu thụ trong nước và tái xuất thuốc lá lậu không biết sẽ thu về cho ngân sách được bao nhiêu nhưng cơ hội để hợp pháp hoá thuốc lá lậu mang lại tác hại vô cùng to lớn. Còn tái xuất có khi chưa qua đến biên giới thì đã quay trở lại Việt Nam vì rất nhiều loại thuốc lá sản xuất ra mục đích để thẩm lậu vào tiêu thụ tại Việt Nam mà thôi”.
Buôn lậu thuốc lá đã chuyển từ nóng sang “ấm”?
Đáp lại phản ánh của ông Sỹ Cương, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - nguyên Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cho rằng: “Riêng vấn đề chống buôn lậu, vừa qua đại biểu Nguyễn Sỹ Cương vừa phát biểu, tôi xin làm rõ vấn đề này như sau. Vấn đề chống buôn lậu là đặc điểm chung của các tỉnh biên giới, tỉnh An Giang luôn xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong điều hành. Tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã tổ chức phối hợp thường xuyên các lực lượng: công an, hải quan, biên phòng và lực lượng quản lý thị trường thông qua nhiều mô hình thích ứng, phản ứng nhanh.
Tuy nhiên, do biên giới tỉnh An Giang tiếp giáp Campuchia dài 100km và hiện nay đang là mùa nước nổi nên nước tràn ngập các cánh đồng biên giới, làm phạm vi kiểm soát mở rộng hơn. Bên cạnh, đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh, tinh vi và thủ đoạn, nhưng với quyết tâm không ngừng của các lực lượng nên đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát ngày đêm, không nề đến tính mạng và gian khổ nên đã tạo được sự chuyển biến rõ nét, năm sau kết quả cao hơn năm trước.
Qua số liệu 10 tháng năm 2017, số lượng vi phạm đã giảm 30%, giá trị hàng hóa bắt giữ tang vật tăng 44,5% so với cùng kỳ. Tang vật bị khởi tố trên 9 tỷ đồng, tăng 83,6% so với cùng kỳ. Thu gom, tiêu hủy thuốc lá là 783.707 gói thuốc lá. Đồng thời giải quyết chống buôn lậu không chỉ giải quyết biên giới là hiệu quả vì đây là đối tượng rất nghèo. Do đó, phải có cả vấn đề giải pháp về đồng bộ, tuyên truyền, giải quyết việc làm, vấn đề an sinh xã hội. Tỉnh An Giang đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo 389. Thường trực Ủy ban tỉnh đã thường xuyên cùng các lực lượng và đôn đốc, chỉ đạo để có giải pháp ứng xử kịp thời.
Cũng theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết để việc xử lý có hiệu quả chống buôn lậu, đề nghị Chính phủ quan tâm, rà soát thêm các quy định xử lý vi phạm không còn phù hợp và không thể xử lý các đối tượng vi phạm, chỉ riêng lực lượng công an đã có trên 597 trường hợp chưa xử lý thi hành quyết định xử lý phạt với số tiền là trên 18,5 tỷ đồng và 314 phương tiện vi phạm, nhưng không tịch thu được do xe không chính chủ. Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, tăng cường mở rộng thêm số lượng lực lượng, đầu tư thêm trang bị thiết bị chuyên dùng để giúp tỉnh An Giang hoàn thành tốt nhiệm vụ chống buôn lậu biên giới.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cũng xin tranh luận lại ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Cương về buôn lậu thuốc lá. Bà Dung cho hay, việc “buôn thuốc lá tuy nóng nhưng đã được xử lý và hiện chỉ còn ấm”. Bà Mỹ Dung nói, năm 2016 Long An có trên 16.000 cuộc kiểm tra, đã xử lý trên 2.000 vụ buôn lậu và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã kiểm tra trên 12.000 cuộc, xử lý hơn 2.000 trường hợp.
Theo bà Mỹ Dung, những số liệu trên minh chứng cho sự quyết liệt, trách nhiệm của các lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua. “Đặc biệt có một cán bộ quản lý thị trường đã quyết tâm truy đuổi, bắt buôn lậu đường thuỷ và bị bọn buôn lậu cướp lại hàng hoá, hung hãn đánh cán bộ này khiến anh tử vong”, bà Dung nói.
Cũng theo đại biểu Long An, vừa qua đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đi giám sát tình hình buôn lậu trên biên giới, kết quả cho thấy tình hình đã được kiểm soát, giảm so với cùng kỳ.