Bùng phát sốt xuất huyết: Bệnh viện quá tải, thiếu hóa chất diệt muỗi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cả nước hiện có khoảng 92.000 người mắc sốt xuất huyết, 36 trường hợp tử vong, tăng khoảng 15.000 ca mắc và tăng 6 ca tử vong so với 10 ngày trước đó. Nhiều bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí ở hành lang bệnh viện; có địa phương thiếu hóa chất diệt muỗi.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới tại quận Đống Đa, quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 7 ổ dịch SXH tại 4 quận, huyện. Theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc SXH tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó). Từ đầu năm, thành phố có 175 ca mắc SXH, chưa ghi nhận tử vong.

Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã xuất hiện các ca SXH diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Bùng phát sốt xuất huyết: Bệnh viện quá tải, thiếu hóa chất diệt muỗi ảnh 1

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh đang gây áp lực lên hệ thống điều trị. Ảnh: Phạm Nguyễn

Một số tỉnh thành ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Cần Thơ... cũng ghi nhận số bệnh nhân SXH tăng mạnh. “Từ tuần 15, số ca tăng nhanh duy trì ở mức cao, vượt qua đường dự báo dịch. Tình hình mắc SXH trong các tuần kế tiếp có thể tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp hơn khi bắt đầu vào cao điểm của mùa mưa. Thêm vào đó, các khu vực tập trung đông dân cư có nhiều hộ gia đình đi làm ăn xa, đóng cửa trong thời gian dài cũng tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển và khó xử lí”, BS Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, nói.

Tính đến ngày 5/7, Cần Thơ ghi nhận 1.805 ca mắc SXH. Riêng từ ngày 30/6 tới 5/7 có đến 1.066 ca, trong khi cùng kì chỉ có 144 ca. Nếu hơn 6 tháng đầu năm ngoái, Cần Thơ chỉ có 9 ca ở mức độ cảnh báo và 7 ca ở mức độ nặng thì cùng kì năm nay, thành phố có đến 49 ca ở mức độ cảnh báo và 18 ca ở mức độ nặng.

Bệnh nhân phải nằm ở hành lang

Theo Sở Y tế TPHCM, thành phố đã ghi nhận 21.750 ca mắc SXH, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.726 ca). Tuần qua, TPHCM có 2.428 ca mắc SXH, trong đó có 346 ca bệnh nặng và 11 người đã tử vong. Trung bình mỗi ngày, các bệnh viện tại TPHCM tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân SXH, trong đó có khoảng 50% từ các tỉnh chuyển đến. Số ca bệnh tăng cao đã gây quá tải tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Tại khoa Nhiễm C, bệnh viện phải kê thêm giường, băng ca cho bệnh nhân nằm ở hành lang.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, số ca mắc SXH hiện nay gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, tỉnh có hơn 4.000 ca SXH, gồm hơn 2.600 ca ở thành phố Vũng Tàu (trong đó có 1 trường hợp tử vong). Từ đầu tháng 6, số ca mắc SXH tăng đột biến, làm các bệnh viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu đều quá tải. Tại Bệnh viện Vũng Tàu, BS Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc bệnh viện, cho biết, hầu hết các khoa đều tiếp nhận cấp cứu và điều trị bệnh nhân SXH. Hơn một tháng qua, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 70-80 ca bệnh SXH, trong đó số ca nặng chiếm 10%. Bệnh viện phải điều tiết giường từ những khoa có ít bệnh nhân đến các khoa có đông ca bệnh. Nhiều bệnh viện đã kê thêm hàng chục giường bệnh, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2 người/giường.

Đáng chú ý, số bệnh nhân mắc SXH chuyển nặng tăng nhanh, diễn tiến bệnh phức tạp, liên tục tái sốc SXH. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhi - Bệnh viện Vũng Tàu ghi nhận 5-6 ca sốc SXH, ngày cao điểm có đến 9 bệnh nhi. BS Bùi Thế Mạnh (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, mỗi ca trực của khoa Nhi chỉ có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng. ICU của khoa có 8 giường bệnh, nhưng thường xuyên quá tải. “Những bệnh nhân nặng phải điều trị ICU cần được theo dõi chặt chẽ nên chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm, không có thời gian nghỉ ngơi”, BS Mạnh nói.

Thiếu hóa chất

Tại Bình Thuận, từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 7, số ca SXH tăng nhanh. Các huyện có số ca mắc cao gồm Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. So với cùng kỳ năm 2021, số ca SXH đã tăng 62,3%. Tỉnh đang gặp khó khăn trong phòng chống bệnh do thiếu hóa chất diệt muỗi.

Theo quy trình, các trung tâm y tế tuyến huyện nhận hóa chất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận để xử lý các ổ dịch. Tuy nhiên, do CDC tỉnh Bình Thuận chỉ còn khoảng 90 lít hóa chất phun diệt muỗi nên lượng phân bổ rất hạn chế. Cụ thể, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc yêu cầu cấp 10 lít hoá chất nhưng chỉ nhận được 7 lít. Trung tâm Y tế Tánh Linh yêu cầu cấp 24 lít nhưng chỉ nhận được 12 lít… Ngành y tế đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cấp kinh phí triển khai hoạt động phòng chống dịch SXH.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, theo phân tích tuýp huyết thanh SXH của Viện Pasteur TPHCM, trước đây tuýp DEN 1 chiếm đa số. Tuy nhiên, dữ liệu 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy tuýp DEN 2 có xu hướng gia tăng, tương ứng với những trường hợp bệnh nặng. Thông thường, khi một tuýp huyết thanh thay đổi thì số ca mắc có thể sẽ tăng cao. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của SXH. Dự báo đỉnh dịch sẽ rơi vào nửa cuối tháng 8 hoặc tháng 9.

Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, nếu người dân mắc SXH và tự điều trị tại nhà thì không được uống Acid Acetylsalicylic (Aspirin), Mefenemic acid (Ponstan), Ibuprofen, các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống, cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

MỚI - NÓNG