Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Cuộc chiến gian nan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều năm qua, các cơ quan ban ngành, đoàn thể đã có nhiều biện pháp từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của người dân tộc thiểu số nhưng tàn dư của hủ tục vẫn còn hiện hữu trong đời sống của họ. Vì thế cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận trong nhân dân để tìm ra giải pháp thích hợp đặt dấu chấm cho cuộc chiến này.

Trường kì

Hoàng hôn bao trùm lên từng nóc nhà ở xã Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), một vài nhóm người vác cuốc, tay xách từng bó rau và lỉnh kỉnh chai lọ rảo bước nhanh về nhà kịp nấu bữa cơm tối. Anh Vừ A.H, bố của một gia đình 6 đứa con bộc bạch: “Trước đây, nhiều ông bố, bà mẹ lấy chồng từ thuở 13 rồi sinh con từ đó cho đến khi đầu 2 thứ tóc. Họ quan niệm đông con hơn đông của, nên hộ nào cũng 6-7 người con. Ở thời hiện đại, nhiều đứa con của họ lại nối tiếp lập gia đình sớm khi ăn chưa no, lo chưa tới”.

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Cuộc chiến gian nan ảnh 1

Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ea Súp lồng ghép tuyên truyền

Năm 2020 Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thành lập 5 Tổ tư vấn hoạt động thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn 5 xã của huyện M’Đrắk với các hoạt động cụ thể. Ông Nguyễn Hữu Quỳ, Trưởng phòng Dân tộc huyện M’Đrắk cho biết, huyện có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn tỉnh. Sau một năm thực hiện mô hình điểm đã có những chuyển biến tích cực, các cặp tảo hôn giảm, nhưng để hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn và không có tình trạng hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số phải là một quá trình thực hiện bền bỉ, lâu dài.

Từng là Phó chủ tịch xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) trong nhiều năm, bà Ka Hiên hiểu rõ những khó khăn trong việc bài trừ hủ tục trong cộng đồng người Mạ ở vùng sâu vùng xa. Bà nói càng có uy tín cùng sự kiên trì và biết chia sẻ nỗi đau khổ, khó khăn của người khác thì việc tuyên truyền sẽ càng hiệu quả. Bà kể, quá trình đi vận động, có lúc bị người ta nặng lời nhưng vẫn kiên trì thuyết phục.

Bữa nọ, hay tin ông K’Brợt muốn cưới vợ cho đứa cháu nội mới 16 tuổi, bà Ka Hiên liền đến nhà để tìm hiểu lý do. “Ngày trước mình cũng cưới vợ ở tuổi này, bây giờ cháu nội không đi học nữa thì cưới vợ cho nó để lo làm ăn”, ông K’Brợt trình bày. Điềm tĩnh nhấp ngụm trà, bà Ka Hiên ôn tồn giảng giải: “ Hồi trước có thể làm vậy nhưng bây giờ khác rồi. Hiện nay con trai 20 tuổi mới được lấy vợ. Nếu lấy vợ sớm hơn tuổi đó là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt”. Vốn tin tưởng Ka Hiên và hiểu được cái bụng tốt của bà, ông K’Brợt đã hoãn đám cưới này.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nơi đó các hủ tục xảy ra ít hơn. Tuy nhiên, đó phải là “cuộc chiến” dài hơi bởi các hủ tục này đã ăn sâu bám rễ.

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”. Kinh phí thực hiện chương trình là 16,99 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ban Dân tộc tỉnh được giao chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, theo một chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, suốt năm 2021, do chưa có kinh phí nên chưa thể triển khai đề án này.

Ở những buôn làng sâu xa các tỉnh Tây Nguyên vì cách trở địa lý, người dân sống rải rác nên khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động, có nơi chính quyền chưa quan tâm sâu sát với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa phát hiện, tư vấn, can thiệp kịp thời, nhất là đối với tình trạng hôn nhân cận huyết.

Lời ru buồn đến bao giờ

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn: Cuộc chiến gian nan ảnh 2

Kết hôn sớm nhiều trẻ em ở buôn làng vùng sâu không được quan tâm đầy đủ

Đường vào xã Cư K’bang huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bây giờ rải nhựa phẳng lỳ. Thôn nghèo 13, 14, 15 đường bê tông vào tận nơi, thấp thoáng nhiều mái nhà lợp tôn, ngói vững chắc. Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm giữa thôn 15, là nơi ở của một gia đình gần chục người. Từ trong nhà Lý Thị V (SN 2000) khoác vội chiếc áo, tất bật lấy liềm, dây chun để chuẩn bị công việc cắt cỏ cho bò. Thuyết phục mãi V mới chia sẻ đôi điều, V lấy chồng năm 2017, chồng ít hơn V 2 tuổi. Hiện vợ chồng có 2 cô con gái, gửi cho bà nội trông để lo công việc đồng áng. Giọng V lí nhí trong cổ: “Mình chưa đẻ được con trai nên sẽ phải đẻ tiếp cho có con trai thì thôi”...

Trước những vấn nạn về tảo hôn, đông con, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp đã triển khai mô hình điểm “Phụ nữ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại buôn A2, thị trấn Ea Súp, với 80 hội viên ở mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Hiện nay, Hội đã nhân rộng được 6 mô hình, câu lạc bộ tại một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.

Theo bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp, mô hình, câu lạc bộ phổ biến đến các toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn Luật Hôn nhân và Gia đình… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để chị em dễ hiểu, dễ nắm bắt. Trong tình hình dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người, các thành viên câu lạc bộ sẽ đi đến nhà của người dân tuyên truyền. Một năm ít nhất 2 lần, Hội phụ nữ huyện đến các thôn, buôn đông người dân tộc lồng ghép để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Giai đoạn 2015-2020, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. So với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án thì hiện tại, tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2020, qua kết quả kiểm tra, khảo sát chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 1.064 trường hợp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số kết hôn và 30 cặp hôn nhân cận huyết thống. Số liệu thực tế còn cao hơn bởi có nhiều vụ người vi phạm không “tự thú” hoặc vì thành tích nên chính quyền địa phương không khai báo đầy đủ. UBND tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” nhằm giảm số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

MỚI - NÓNG