Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn : Những cặp vợ chồng trẻ con

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang gióng lên hồi chuông báo động, ở các buôn làng sâu xa nơi đại ngàn Tây Nguyên tình trạng này vẫn còn phổ biến. Những cuộc hôn nhân sớm nở, tối tàn để lại nhiều hậu quả và bị kịch gia đình. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng xem ra cuộc chiến với hủ tục nơi đại ngàn vẫn gian nan và trường kì.

Mỗi năm, ở nhiều buôn làng giữa đại ngàn không hiếm những bé gái đang tuổi cắp sách tới trường gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Cuộc sống vợ chồng đối với họ như trò chơi con trẻ, khi thấm khổ cực, hối hận đã muộn.

TẢO HÔN THỜI CÔNG NGHỆ

Tiếng khóc xé lòng vang ra từ nhà P.H (SN 2006, làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi chúng tôi vừa đến cổng. H loay hoay dỗ con không được phải gọi bà nội đang làm gần đó về bế. H tâm sự, mẹ mất khi đang học lớp 2, bố lấy vợ khác.

Cuộc sống vất vả, H nghỉ học phụ giúp công việc đồng áng cho chị ruột. Chuyện tình của H với chồng là S.T bắt đầu khi cả hai kết bạn qua mạng xã hội Zalo. Chỉ vài tháng nhắn tin, sau một cuộc rượu trong làng, H dọn về ở nhà T. Kết quả của tình yêu chóng vánh ấy là bé gái kháu khỉnh nhưng trong giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, còn tên người cha… để trống.

Trên bậu cửa sổ, ánh mắt của bà mẹ 15 tuổi đã lấy chồng cách đây hai năm luôn đượm buồn. Nhưng người dân tộc thiểu số nơi đây coi việc lấy vợ, gả chồng sớm như một điều hiển nhiên, bố chồng H nói: “Nó thích thì nó lấy nhau thôi, mình ngày trước cũng thế mà”.

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn : Những cặp vợ chồng trẻ con ảnh 1
P.H cùng chồng và con gái hơn 1 tuổi (làm mờ mặt)

Mối tình học trò cùng tuổi của P.S (SN 2003, làng Jút 2) với K.C (làng Blang 3) từng xôn xao cả làng Jút 2. Khi vừa học hết lớp 9, S và C quyết định nghỉ học để cưới nhau. Bố mẹ đôi bên khuyên can nhưng bất lực. S hồn nhiên: “Mấy đứa tuổi với em nó cũng lấy vợ, lấy chồng mà. Hồi đó em với chồng gặp nhau ở trường, cả hai nhắn tin gọi điện nên bố mẹ không biết”.

Ông Puih Duch, Trưởng ban công tác Mặt trận làng Jút 2 chia sẻ: “Ngày trước đứa nào trong làng yêu nhau người thân đều biết vì phải đến nhà mới nói chuyện được, giờ thì nó ngồi bấm điện thoại rồi cười là hiểu. Phát hiện ra thì chuyện đã rồi, không cho nó cưới nó đòi tự tử ai mà chẳng sợ”. Ông kể, có nhiều cặp đôi chưa từng gặp bao giờ mà yêu tới tận Kon Tum, bất chấp khoảng cách về địa lý. Khi “gạo nấu thành cơm” dẫn về cả làng mới tròn mắt. “Luật làng chỉ phạt cặp vợ chồng bỏ nhau hay có quan hệ sâu sắc mà không chịu lấy. Còn bọn nó thích nhau thì làng chịu”, vị này lắc đầu bộc bạch.

Con số thống kê đáng lo ngại từ xã Ia Dêr thể hiện tình trạng tảo hôn trên địa bàn đang gia tăng. Năm 2017 xã có 5 cặp tảo hôn, đến năm 2018 tăng lên 18 cặp, còn số liệu gần đây phải “lật sổ”. Các tổ chức, đoàn thể của xã đã tích cực vận động cha mẹ quan tâm, nhắc nhở con cái, không cho các em chưa đủ tuổi lấy nhau nhưng đâu lại vào đó.

Là người địa phương nên anh Rơ Châm Si, cán bộ Tư pháp xã Ia Dêr, người thấu hiểu tình trạng trên nhận định, tảo hôn là câu chuyện “nóng” ở 12 làng đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Anh chia sẻ, thăm hỏi bình thường thì được nhưng chỉ cần nghe cán bộ hỏi tình hình con em lấy nhau là gia đình giấu ngay. Anh Si cho biết: “Trẻ em có quyền được làm giấy khai sinh dù không có bố. Trường hợp bố đủ tuổi đăng ký kết hôn, mới làm văn bản bổ sung tên cha trong giấy khai sinh, rồi thêm văn bản thừa nhận con chung. Mỗi một trường hợp như vậy phải mất tầm 2 ngày làm thủ tục”.

Qua điều tra, khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Ðồng, hầu hết các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng về địa phương lấy vợ, lấy chồng hoặc học sinh trong trường về nhà ở với nhau như vợ chồng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh Ðắk Lắk, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 3.000 cặp tảo hôn; riêng năm 2020 có 276 cặp.

THÍCH LÀ CƯỚI

Dưới cơn gió chiều mùa khô, trong manh áo cộc Hào Thị G (buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) ngồi bệt trước hiên nhà, dỗ dành đứa con 2 tuổi mặt lấm lem đất đang òa khóc. 21 tuổi, G có thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt trắng hồng dễ thương. G lấy chồng cách đây 4 năm giờ đã có 2 con, chúng chưa được làm giấy khai sinh vì bố mẹ chưa đăng ký kết hôn. G nói, năm sau đứa đầu đến tuổi đi học làm khai sinh luôn.

“Sao em lấy chồng sớm thế”, tôi hỏi. G ríu rít: “Yêu thì lấy thôi. Mình không đi học, thấy các bạn lấy chồng, nên làm theo. Tuổi như mình không lấy thì ế”.

Bóng đen hủ tục giữa đại ngàn : Những cặp vợ chồng trẻ con ảnh 2
Tảo hôn đông con đồng hành cùng sự nghèo khổ ở vùng sâu tỉnh Lâm Ðồng

Câu chuyện với G ngắt quãng từng đoạn bởi thỉnh thoảng G quay qua chơi đùa cùng đám trẻ hàng xóm. “Cuộc sống vất vả lắm, chỉ biết lên rẫy làm thôi, không xác định được tương lai vì phụ thuộc bố mẹ chồng”, G tâm sự. Hằng ngày ngoài thời gian đi rẫy, vợ chồng đi cắt cỏ cho bò. 2 đứa con ở nhà với bà nội. Nhiều hôm đứa lớn theo G trỉa bắp.

Di di bàn chân xuống đất G chia sẻ: “Sau này mình không để con gái lấy chồng sớm. Vợ chồng sẽ cố gắng làm việc nuôi con ăn học có cái nghề, làm nông như em khổ lắm”. Từ ngày lấy chồng đến nay, G quần quật từ sáng đến tối trên rẫy không hết việc, đến mùa tranh thủ đi lấy măng. “Em còn sinh nữa không”, “Chồng bắt thì đẻ, không thì thôi. Mình lấy chồng thì phải nghe lời chồng”.

Theo trưởng buôn Hoàng Văn Páo (xã Ea Kiết), trước đây, nam nữ học hết cấp 1, một số học đến lớp 8-9 bỏ học. Lũ trẻ đi lên rẫy, ưng nhau dắt về ở không cần hỏi ai. Bước qua cửa rồi bố mẹ phải cho cưới không muốn làm khó. Con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó.

Người K’Ho và Ra Glai ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra phổ biến. Năm 2021, cơ quan chức năng xã phát hiện 3 vụ tảo hôn, các cô gái đều là học sinh đang cắp sách đến trường, nhỏ nhất là Lơ Mu C.R (SN 2005, thôn Đạ Nghịt) mới học lớp 7; Lơ Mu K’I (trú thôn Păng Tiêng 1) học sinh lớp 10 và Liêng Hót K’S (thôn Đạ Nghịt 1) học lớp 11. Cả 3 học sinh đều phải bỏ học giữa chừng vì mang thai. Hiện K’S đã sinh con trai.

Lơ Mu C.R sinh con gái trong hoàn cảnh người yêu phải vào tù vì đã giao cấu với trẻ vị thành niên. Gia đình của K’I và K’S, hoặc là phải tạo điều kiện con gái cấp tốc “bắt” chồng hoặc tạm thời đưa chàng trai mặt mày non choẹt về sống chung; mục đích là bảo vệ danh dự cho con gái và tránh cho gia đình khỏi sự kỳ thị và chê bai của xã hội. Còn chuyện đăng ký kết hôn thì phải đợi đến lúc các cặp vợ chồng này đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.