Anh em họ thành vợ chồng
Ngôi nhà của vợ chồng Nay K (SN 1993) và vợ là Nay H (SN 1998) xã Uar, (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) dường như tách biệt với dân làng. Dưới ánh điện le lói, cũng như bao bữa cơm đạm bạc thường ngày, tối nay gia đình H chỉ biết giã muối ớt ăn cho qua bữa. Gia đình cần tiết kiệm vì mùa này cậu con trai ho nhiều và chứng phỏng dạ không rõ nguyên nhân từ khi sinh ra đến giờ. Nhiều người trong làng cho rằng H và K là vợ chồng cận huyết thống, không được cưới nhau do cùng mang họ “Nay”. Nhắc lại chuyện này, H vẫn không tin vào hiện thực, giải thích rằng:“Em và chồng là đời f4, f5 rồi không phải hôn nhân cận huyết thống đâu”.
H kể, chừng 4 năm trước khi lấy nhau, cả hai cùng mang họ “Nay” nên theo tục của làng sẽ bị phạt. Không có tiền, anh trai H phải bán bò mua hai con heo để cúng Yàng (thần linh). “Người thân ngăn cản không cho lấy nhau nên tụi em có bầu trước. Tục làng phạt hai vợ chồng phải bò đến máng ăn cơm giống như động vật vì không phân biệt được anh em, họ hàng. Hồi đó trời không mưa họ cũng đổ lỗi do em. Khổ lắm, phải đi xin gạo miết, giờ hai vợ chồng đi làm thuê cũng có tiền mua bột giặt, quần áo rồi”, H ngậm ngùi nói.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ đói nghèo trong vùng dân tộc thiểu số |
Đường Đông Trường Sơn đi qua xã Uar, huyện Krông Pa nên việc buôn bán, đi lại thuận tiện hơn các nơi khác. Nhưng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn như bóng đen bao trùm nơi đây. Khó khăn lắm mới thuyết phục được cô gái dân tộc Gia Rai- K.S (SN 1993) chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. S kể, tròn 16 tuổi em đã yêu và lấy chồng là K.D (SN 1988). Bố của S với mẹ của D là hai chị em ruột. S đã sinh được 3 người con trai, đứa lớn đang học lớp 4, nhỏ mới học mẫu giáo. Vợ chồng S chỉ có hơn 1ha đất không đủ nuôi các con ăn học, bởi vậy chồng S phải đi các tỉnh khác làm thuê.
“Em và chồng lấy nhau trong dòng họ ai cũng biết nhưng ngày đó tất cả xem việc này là bình thường. Bây giờ tuyên truyền em mới biết việc lấy nhau như vậy khiến con cái còi cọc”. S chia sẻ rồi nén tiếng thở dài nhìn 3 đứa con trai gầy gò đang chơi đùa phía cuối góc nhà.
Luật tục
Buôn làng người M’Nông ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), định cư trong một thung lũng trù phú, cây cối xanh tốt, cuộc sống của bà con nơi đây yên bình với những mùa gieo gặt. Nhưng phía sau khung cảnh hữu tình ấy, còn ẩn chứa biết bao câu chuyện buồn quanh những cặp vợ chồng lấy nhau cùng dòng họ. Trong ngôi nhà tuềnh toàng ở xã Đắk Liêng (huyện Lắk), anh Y.L nằm dưới nền nhà nghỉ ngơi, còn vợ là H’N đang cho đứa con trai bị khèo chân ngồi một chỗ ăn cơm. Đôi mắt của H’N sâu hoắm, chị mệt mỏi cho biết, đứa này bị dị tật, bé gái thứ hai khi sinh ra chưa đầy 6 tháng tuổi đã qua đời do bệnh bại não. Có lẽ nguyên nhân xuất phát từ cuộc hôn nhân cận huyết thống của vợ chồng chị, vì mẹ của Y.L là em gái ruột của bố H’N.
Cũng cho con kết hôn cận huyết thống, bà H’L trú cùng xã cho biết, con gái của bà kết hôn với anh con bác ruột, sinh ra con trai đầu bình thường, đứa thứ hai hay ốm đau, đi khám bác sĩ bảo bị bệnh tan máu bẩm sinh nên phải truyền máu thường xuyên. “Vẫn nghe nhiều người nói và đọc thông tin trên mạng được biết hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ cao sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, đau ốm và khả năng phát triển trí tuệ rất thấp. Nhiều đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Nhưng theo luật tục xưa, cùng dòng họ lấy nhau để thừa kế tài sản, giữ của cải không bị rơi vào tay dòng họ khác”, bà H’L nói.
H’C và Y’P ở gần nhau (trú huyện Lắk) cả hai gia đình đều biết mối quan hệ huyết thống, ấy vậy mà không ai ngăn cản. Đến khi “gạo đã nấu thành cơm” đành phải làm lễ cưới. Vừa truyền máu cho con về, chị H’C ôm con gái hơn 3 tuổi khuôn mặt xanh xao, thân hình gầy còm ngồi nép một góc phía cuối giường. Chị trải lòng, vợ chồng làm không đủ tiền chữa bệnh cho con. Con thứ hai bị bệnh thiếu máu nên phải lên bệnh viện tỉnh thường xuyên.
Ở xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), chúng tôi không khỏi cám cảnh khi nhìn thấy một bé trai (dân tộc K’Ho) 5 tuổi còi cọc, ủ dột, cử chỉ kém linh hoạt. Cháu bé là con của cặp vợ chồng trẻ cận huyết thống T và H, vốn là con chú bác ruột. Trả lời câu hỏi có biết anh em cùng dòng máu cưới nhau là vi phạm pháp luật và con cái dễ bị bệnh tật hay không, H buồn bã nói: “ Có biết đâu, thương nó thì mình bắt về làm chồng thôi. Làng mình có mấy chị em cũng bắt chồng như vậy mà”…
Bà Bon Jô Liên, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lạc Dương cho biết, vì hủ tục cũng như các lý do về kinh tế và điều kiện cư trú, hôn nhân cận huyết thống đã trở thành tập tục ăn sâu vào nếp nghĩ của người K’Ho. Việc suốt ngày ở trên nương rẫy, cư trú tại vùng sâu, xa khiến các chàng trai, cô gái khó có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ những người cùng trang lứa ở các địa phương khác, nên họ thường phải lấy người trong dòng họ. Mặt khác, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến nhiều gia đình, dòng họ sợ phải chia của cho người khác khi con gái bắt chồng. Ngược lại, nếu lấy người cùng huyết thống (con cô lấy con cậu) thì của cải trong gia đình, dòng tộc sẽ được bảo toàn.
Một số tuyên truyền viên cho hay, khi được tư vấn, đa số các cặp hôn nhân cận huyết, bé gái có thai ở tuổi vị thành niên cho rằng cha mẹ rất ngại, thậm chí lảng tránh khi con cái hỏi hoặc nhắc đến những vấn đề về tình dục, vợ chồng cùng chung dòng máu…Nhà trường và câu lạc bộ sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức xã hội cũng ít đề cập đến chủ đề này. Bởi thế, các em không có nhiều cơ hội được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống về tình dục, sức khỏe sinh sản...
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 30 cặp hôn nhân cận huyết. Còn theo thống kê của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 20 cặp. Hủ tục này không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.