Tham dự Techmart 2015, mô hình thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời của ông Huỳnh Thiện Liêm, trú xã Trường Xuân (Tháp Mười, Đồng Tháp) thu hút gần nghìn lượt xem và mang về cho ông một số đơn hàng. Đây là sản phẩm của ông Liêm và những người bạn tên Huỳnh Văn Trăng, Thái Văn Hoàng, Nguyễn Văn Dũng.
Ông Liêm có một cửa hàng thiết bị năng lượng mặt trời nên hay đi lắp ráp các tấm pin cho bà con. Trong những chuyến đi đó, ông thường ghé thăm các khu du lịch sinh thái ở xứ sen hồng.
Thấy phương tiện đưa đón khách du lịch như xuồng, vỏ lãi thường tốn xăng, gây tiếng ồn, thải ra khí độc làm ô nhiễm môi trường, làm chim cò bay dáo dác nên ông nảy ra ý tưởng dùng ánh sáng mặt trời làm "nhiên liệu", chế ra chiếc thuyền du lịch chạy bằng pin mặt trời.
Ông Huỳnh Thiện Liêm, người lên ý tưởng cho chiếc thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Phương Hòa.
Muốn làm sản phẩm này phải am hiểu về năng lượng mặt trời, có kiến thức về cơ khí, tàu thủy. Ông Liêm tìm người làm cùng nhưng ai nấy từ chối bởi thấy ý tưởng xa vời, khó thực hiện, tốn thời gian. Cuối cùng, ông rủ ba người bạn chuyên về cơ khí.
4 người thợ làm công việc khác nhau nhưng có chung niềm đam mê, mỗi người phụ trách một khâu trong quá trình làm thuyền. Ông Liêm đảm nhận phần pin năng lượng mặt trời, mạch điện, động cơ điện. Ông Dũng phụ trách cơ khí, kết nối các bộ phận với nhau. Ông Hoàng làm chân vịt để cho thuyền chạy. Chịu trách nhiệm lắp ráp các bộ phận lại với nhau, kết nối thành bộ máy hoàn chỉnh là phần của ông Trăng.
Ông Liêm kể, từ khi bắt tay vào làm đến khi con thuyền hoàn chỉnh mất 3 tháng. Nhiều khi thuyền bị trục trặc, hư hao đủ thứ, có khi tốn cả trăm triệu đồng mà vẫn "chưa ra ngô ra khoai" khiến cả nhóm nản lòng.
Thuyền ráp xong, bốn ông hai lúa đưa đi chạy thử nghiệm trên sông nhưng chỉ được thời gian ngắn là hết năng lượng tích trữ trong bình ắc quy. Trên bờ người dân đứng xem rồi chê cười "Bộ mấy lão này khùng hay sao mà máy người ta có sẵn rồi thì không chịu dùng, lại đi chế làm chi. Thuyền gì mà chạy chậm còn hơn người đi bộ nữa".
Chiếc thuyền khi hoàn thành. Ảnh: NVCC.
Ông Liêm động viên cả nhóm tiếp tục làm, rằng tại mình làm chưa đúng, chưa tới nên chưa thành công, chỉ cần khắc phục nhược điểm là ổn. Các ông phát hiện ra việc dùng động cơ điện sống AC phải qua nhiều bộ phận trung gian nên khiến năng lượng mau hết mà lại gây nguy hiểm. Các ông thay động cơ điện bằng bình ắc quy, giảm được tiêu hao dòng điện, kéo dài thời gian hoạt động của thuyền. Ông Hoàng cải tiến chân vịt cho thuyền chạy nhanh hơn.
Thử đi thử lại cả chục lần thì thành công, thuyền chạy băng băng trên mặt nước. Ông Liêm báo cáo với Sở khoa học và Công nghệ Đồng Tháp. Sở đã tổ chức một buổi nghiệm thu vào đầu tháng 6, cho thuyền chạy thử nghiệm trên sông. Các vị lãnh đạo của Sở đích thân ngồi trên thuyền để thử cảm giác đi trên sông không cần người chèo lái, không nghe tiếng ồn của động cơ.
Thuyền có 2 bình ắc quy, động cơ và 2 tấm pin. Khi hoạt động, điện từ năng lượng mặt trời trong hai tấm pin này sẽ qua bình ắc quy đưa vào động cơ. Thuyền có tải trọng khoảng 500 kg (tương đương với 6 người và thiết bị), tốc độ cao nhất là 15 km/h, tùy theo dòng nước ngược hay xuôi. Nếu nước thuận thì tốc độ cao hơn.
Khi trời nắng, thuyền hoạt động liên tục còn khi hết nắng thì lấy điện từ bình ắc quy, hoạt động thêm được 3 giờ nữa (khoảng 40 km). Giá thành bàn giao là 140 triệu/chiếc có độ bền trên 10 năm. Điều ông Liêm trăn trở nhất hiện nay là mẫu mã chưa được bắt mắt, muốn hợp tác với bên thiết kế về mỹ thuật để thuyền có tạo dáng đẹp hơn, ấn tượng hơn.
Thuyền của bốn "ông khùng" được đánh giá là phương tiện đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng được năng lượng xanh để khai thác du lịch. Vườn quốc gia Tràm Chim đã dùng thử một chiếc, tiến tới đặt hàng các ông 6 chiếc để tháng 11 này đưa vào khai trương tuyến du lịch xanh.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Tháp từng ngồi trên chiếc thuyền của bốn nhà khoa học không chuyên sáng chế. "Thuyền chạy rất êm, không có tiếng ồn. Các khu du lịch sông nước nếu khai thác bằng phương tiện này thì không tốn nhiên liệu, thu hồi vốn nhanh hơn, không gây ô nhiễm môi trường, bảo tồn được các loài vật sinh sống trên sông", ông Tuyên nói và thông tin thêm ngoài Tràm Chim thì tiến tới, Sở sẽ nghiên cứu đưa sản phẩm vào sử dụng ở những khu du lịch khác như Gáo Giồng, Xẻo Quýt.
Ông Liêm mang mô hình thuyền ra Hà Nội tham dự Techmart 2015, có công ty khai thác du lịch ở chùa Hương (Mỹ Đức) đặt hàng thử một chiếc. Ông đã tới khảo sát địa hình, dòng nước để làm sản phẩm cho phù hợp.
"Ở miền Bắc, thời gian nắng ít hơn trong Nam. Nhưng nguyên lý của tấm pin hiện nay là sử dụng ánh sáng chứ không phải nhiệt độ cao nên nếu trời mưa mà có ánh sáng thì vẫn có năng lượng cho thuyền chạy. Nhưng mình phải tính cách cải tiến để làm sao vẫn dùng được năng lượng xanh mà không bị tốn kém, cho hiệu suất cao nhất", ông nói và cho biết sẽ tìm cách kéo dài thời gian chạy, vận tốc nhanh hơn, hạ giá thành sản phẩm để chiếc thuyền không những ứng dụng được vào du lịch mà còn cho bà con đi thăm ruộng, di chuyển trên sông, đi lại mỗi mùa nước lên.