Bộ Y tế: Rà soát lại quy trình tránh trao nhầm con

TP - Thời gian gần đây một số sự cố trao nhầm con lúc sơ sinh được phát hiện sau nhiều năm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 15/3 về các biện pháp của ngành y tế nhằm khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Từ trước năm 2011, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đánh dấu các cặp sản phụ -con sản phụ bằng các bộ số nhôm: một mặt ghi năm, một mặt ghi số thứ tự em bé sinh trong năm, được đeo vào cổ em bé và tay mẹ. Bộ số này chỉ cấp một lần, không cấp lại. Đi cùng với bộ số nhôm là bộ đồ sơ sinh gồm 3 áo và 1 mũ có cùng thông tin. Khi tắm cho bé, hộ sinh phải đối chiếu đúng số của mẹ - con kèm số ở áo sơ sinh. Hết năm sẽ hủy bộ số đã dùng cùng đồ sơ sinh chưa dùng đến. Do việc dùng bộ số nhôm bất tiện khi phải luồn cước khiến dễ bị tuột, nên bệnh viện đã thay bằng những chiếc vòng nhựa ghi thông tin bằng mực không phai.

Thứ trưởng Tiến cho biết thêm, khi cuộc sinh nở bắt đầu, sản phụ được nhân viên y tế phát 3 áo sơ sinh và một mũ đã hấp tiệt trùng. Khi tắm, gia đình sẽ trực tiếp đưa áo cho hộ sinh thay và khi xuất viện, gia đình mang về hoặc hủy bỏ để tránh nhầm lẫn. Bộ vòng mẹ - con có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác. Số vòng do Điều dưỡng Trưởng khoa Đẻ trực tiếp quản lý, phát từng ngày theo số sản phụ và em bé chào đời.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư đang áp dụng quy trình quản lý sau sinh hiện đại để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Cụ thể, ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ để giám sát giới tính, giờ sinh, và đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ. Sau đó nhân viên y tế hỏi sản phụ tên của trẻ rồi viết bệnh án, đồng thời, ghi thông tin 2 mẹ con và số thứ tự sinh vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mực không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào chân con.

Đáng chú ý, bộ vòng nhựa này có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng lại được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác. Tiếp đó, các nhân viên y tế mới tiếp tục các thủ thuật với người mẹ. Đến khi chuyển 2 mẹ con ra phòng sau đẻ, trẻ sơ sinh vẫn nằm nguyên trên bụng mẹ. Trường hợp trẻ bị bệnh lý phải chuyển xuống Khoa Sơ sinh, phải có người nhà đi cùng.

Do được đeo bộ vòng đặc biệt nên ngay cả khi trẻ được đưa đi tắm, phải xa mẹ cũng sẽ tránh được nhầm lẫn lúc trao trả trẻ về cho gia đình. Khi sản phụ và trẻ sơ sinh được xuất viện, nhân viên y tế sẽ kiểm tra cặp vòng số trên tay mẹ và cổ chân em bé, nếu trùng khớp thông tin mới cho ra viện. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến hy vọng các bệnh viện sẽ ứng dụng quy trình hiện đại này để hạn chế tối đa sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Bác sĩ, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết tại bệnh viện đang áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ đối với trẻ sơ sinh sau khi chào đời để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Khi trẻ được đưa ra khỏi bụng mẹ sẽ trao cho sản phụ xem mặt để nhận dạng ban đầu các đặc điểm của trẻ, tiếp đó nhân viên y tế đeo vòng đánh số trùng khớp giữa mẹ và con. Vòng này có dây bằng cước và số khắc trên tấm kinh loại bằng nhôm.

Tuy nhiên TS Ánh cũng thừa nhận vòng bằng dây cước dễ tháo bỏ khỏi trẻ nên nếu ai đó rắp tâm đổi vòng giữa các bé cũng có thể xảy ra. Trong thời gian tới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ lưu ý gợi ý của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến về vòng đeo 1 lần cho mẹ và bé để đảm bảo tránh nhầm lẫn, đánh tráo trẻ.

Bác sĩ  Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, quy trình quản lý sau sinh được Bộ Y tế giao cho các bệnh viện tự thực hiện. Tuy nhiên, sau sự cố trao nhầm con diễn ra cách đây hàng chục năm vừa được công bố, Vụ đang cho rà soát lại quy trình này tại các bệnh viện để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế nhằm có những biện pháp quản lý chặt chẽ nhất, tránh sai sót trao nhầm, đánh tráo trẻ. 

MỚI - NÓNG