Bộ Xây dựng không muốn xây bảo tàng hơn 11 nghìn tỷ

Các cửa hàng “bủa vây” trước khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: MT.
Các cửa hàng “bủa vây” trước khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: MT.
TP - Trước tình trạng ngân sách khó khăn, nhiều bảo tàng chưa sử dụng hết công năng, đề xuất xây bảo tàng mới tốn hơn 11 nghìn tỷ đồng bị đánh giá lãng phí, phản cảm.

Bộ Xây dựng nói gì?

Sau nhiều ngày Tiền Phong có loạt bài phản ánh về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chiều 11/9, Bộ Xây dựng mới gửi thông cáo báo chí về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng này; bày tỏ quan điểm không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này.

Theo Bộ Xây dựng, Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt. Để triển khai dự án phù hợp với tình hình kinh tế xã hội chung của đất nước, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015, Thủ tướng đã kết luận: “Trong điều kiện hiện nay, ngân sách nhà nước còn khó khăn, đồng thời công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần được nghiên cứu, thực hiện hết sức kỹ lưỡng.

Vì vậy, trong giai đoạn 2015-2020 yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu kỹ, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục đầu tư theo quy định”. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phấn đấu khởi công dự án vào 2021, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, trong các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch trung hạn 2017-2020, dự án không được bố trí nguồn vốn để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng (trong đó, có công tác chuẩn bị xây dựng nội dung và hình thức trưng bày, triển khai thiết kế kỹ thuật). Do đó, các ban quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng như chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Cũng trong thông cáo gửi báo chí của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng cho biết, trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này.

“Bị giao mà không sung sướng gì”

Ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, việc dừng hay không dự án phải xem “túi tiền” của quốc gia. Hiện tại, ngân sách còn khó khăn và thực tế nhiều bảo tàng của ta chưa thu hút khách đến tham quan, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Ông Quân phân tích, khi ông còn giữ chức Bộ trưởng Xây dựng, việc hình thành dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là do Bộ VHTTDL. “Đặt vấn đề của họ là nhập mấy cái bảo tàng thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và cho rằng, như thế là tiết kiệm. Và dự án được Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, Thủ tướng thấy để bộ này quản lý đầu tư xây dựng sẽ không biết cách nên chỉ đạo Bộ Xây dựng làm”, ông Quân nói.

“Thời xưa làm Bộ trưởng được Thủ tướng giao làm. Cái này tôi không thích ôm nhưng bị giao mà không sung sướng gì. Dừng hay không dừng là do Bộ VHTTDL có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ”, ông Quân cho hay. Liên quan đến việc thiếu vốn nuôi bộ máy Ban quản lý dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông Quân bày tỏ quan điểm: “Chính phủ phải tỏ thái độ rõ về việc này. Nếu Chính phủ muốn duy trì để làm phải có khoản tiền nuôi ban quản lý. Dừng hay không dừng Chính phủ phải có giải pháp”.

Theo tờ trình thẩm định dự án năm 2012 của Bộ Xây dựng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG