Bảo tàng 2000 tỷ vắng như chùa Bà Đanh

Không gian bảo tàng Hà Nội trưng bày lộn xộn, không hấp dẫn, khách vắng tanh.
Không gian bảo tàng Hà Nội trưng bày lộn xộn, không hấp dẫn, khách vắng tanh.
TP - Với kiến trúc Kim tự tháp ngược, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nhưng từ khi khánh thành tới nay, Bảo tàng Hà Nội vắng bóng khách tham quan. Cách nào khắc phục tình trạng này?

Hiện vật nghèo nàn

Nằm trên mặt đường Phạm Hùng (Hà Nội), Bảo tàng Hà Nội thu hút chú ý của khách tham quan bởi kiến trúc Kim tự tháp ngược độc đáo. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, buổi sáng ngày 31/8, số lượng khách tham quan thưa thớt. Trong đó, khách tham quan gồm một nhóm sinh viên ngành bảo tàng của trường Đại học văn hóa Hà Nội khảo sát để làm bài tập nhóm. Nhóm khách còn lại chủ yếu là sinh viên từ các địa phương lân cận về Hà Nội tham quan.

Không gian 3 tầng của bảo tàng vắng lặng. Ngay trung tâm tầng 1 là khu trung bày theo chủ đề Linh vật Việt. Bên trên treo tấm pano in hình cách điệu các con thú như nghê, sư tử. Thoạt nhìn, không gian tầng 1 như căn phòng của thầy phù thuỷ, treo đầy bùa phép. Hiện vật trưng bày gồm tượng nghê bằng gốm; gạch chùa Đậu thế kỷ 16-17; Chân đèn; đầu dao bằng đồng; Tượng voi, sư tử; đỉnh gốm…

Tầng 2 ghi biển đóng cửa để sắp xếp cổ vật trưng bày. Tầng 3 của bảo tàng có không gian triển lãm các bức ảnh với tiêu đề “Hà Nội kí ức tháng 10”. Đó là những bức ảnh Hà Nội đổ nát sau 60 ngày đêm quân dân Hà Nội chiến đấu với quân Pháp; ngày tiễu trừ giặc đói của gia đình cụ Ngô Tử Hạ từ năm 1945. Những hiện vật như cờ, kiếm, mũ sắt, bộ quần áo của các chiến sĩ vệ quốc quân năm 1946. Bên cạnh đó, bộ sưu tập cổ vật Việt Nam thế kỷ 16 - 20; cổ vật châu Âu thế kỷ 19 - 20; gốm Bát Tràng cũng được trưng bày.

Ngoài ra, bảo tàng dành không gian trưng bày hiện vật được người dân tặng nhân dịp khánh thành như tem phiếu; cặp lồng sắt; quạt sắt... Tầng cao nhất của Bảo tàng trưng bày đồ đồng, đồ khảm trai.

Chị Nguyễn Lan Anh (sinh viên trường Đại học văn hóa Hà Nội) cùng nhóm bạn đến bảo tàng để thu thập tài liệu cho môn học cho biết, dù là nơi trưng bày hiện vật của Hà Nội nhưng số lượng ít, nghèo nàn. “So với các bảo tàng tôi từng đến tham quan, việc bố trí, trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hà Nội thiếu sinh động, các cổ vật khá rời rạc, thiếu hấp dẫn”, chị Lan Anh nhận xét.

Bảo tàng 2000 tỷ vắng như chùa Bà Đanh ảnh 1 Bảo tàng Hà Nội hình kim tự tháp ngược.

Bài trí kém hấp dẫn

Bảo tàng Hà Nội có diện tích khuôn viên hơn 50.000m2, trong đó có 12.000m2 dành riêng xây dựng công trình và kiến trúc Kim tự tháp ngược. Số vốn đầu tư Bảo tàng hơn 2.300 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 10/2010 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Trước đó, trao đổi với báo chí về nguyên nhân vắng khách tham quan, lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội thừa nhận, do đặc thù trưng bày hiện vật thể hiện bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng mô hình, sa bàn tốn kém nên khó thu hút khách tham quan.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bảo tàng Hà Nội chưa đồng bộ giữa chuẩn bị nội dung trưng bày và thiết kế xây dựng. Ngôn ngữ chính của bảo tàng là xây dựng bộ sưu tập cổ vật thì bảo tàng Hà Nội chưa làm được.

Quan trọng nhất với bảo tàng là xây dựng bộ sưu tập chứ không phải số hiện vật đã và đang trưng bày, cần phải đổi mới cách làm, bảo tàng mới có thể thu hút khách tham quan”, ông Dương Trung Quốc nhìn nhận.

“So với các bảo tàng tôi từng đến tham quan, việc bố trí, trưng bày hiện vật của Bảo tàng Hà Nội thiếu sinh động, các cổ vật khá rời rạc, thiếu hấp dẫn”.

Chị Nguyễn Lan Anh, sinh viên trường Đại học văn hóa Hà Nội

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.