Lo lãng phí khi xây bảo tàng hàng nghìn tỷ đồng

10 ha đất để xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: PV.
10 ha đất để xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: PV.
TP - Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng nêu vấn đề khó khăn về vốn để triển khai dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề nên tạm dừng để tránh lãng phí lớn ngân sách của nhà nước trong lúc khó khăn này.

Chưa khởi công đã tiêu tốn 200 tỷ đồng

Ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, dự án đã được lập, xin ý kiến các cơ quan liên quan như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng. Ý kiến các bộ đều đồng thuận và trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2012- 2013. Việc thẩm tra dự án đã xong nhưng chưa được phê duyệt, vì chưa rõ được tiến độ và nguồn vốn đang khó khăn. Ông Nam cho rằng, quan điểm của ông là chưa khởi công thời điểm này nhưng vẫn phải duy trì mạch tiếp tục chuẩn bị công tác đầu tư. Theo ông Nam, từ năm 2006 đến năm 2013, ban quản lý dự án đã được bố trí 300 tỷ đồng nhưng tiêu hết 200 tỷ và trả lại 100 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bộ Xây dựng cho rằng, dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và một số nội dung công việc thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư, trong đó có giải phóng mặt bằng. Do việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn, dự án đã nhiều lần phải giãn tiến độ, kể từ năm 2014  đến nay. Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016- 2020 vẫn không được bố trí.

Các ban quản lý dự án (bao gồm cả Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) hiện không có kinh phí để duy trì hoạt động. Họ cũng không có tiền để trả lương và bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức và cũng không có kinh phí để thanh toán cho các nhà thầu theo cam kết của hợp đồng (trong đó có hợp đồng với Công ty Nikken- Sekkei, Nhật Bản) cũng như triển khai công tác khác của dự án để sẵn sàng khởi công dự án vào năm 2021. 

Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng: tổ chức họp Ban chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để nghe Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình thực hiện cụ thể của dự án và chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc; Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015 về dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Ông Nam cho rằng, việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia rút kinh nghiệm từ bảo tàng Hà Nội nên ngay từ đầu đã phải vừa xây dựng nội dung và hình thức. Công tác chuẩn bị đầu tư rất quan trọng nên không nên nhìn vào con số nghìn tỷ đầu tư xây dựng dự án mà hãy nhìn vào ý nghĩa to lớn của việc đưa bảo tàng vào sử dụng. Hiện, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũ không có chỗ để trưng bày hiện vật nên việc xây dựng bảo tàng mới là cần thiết.

Xây mới, phong cách cũ, nên chăng?

KTS Trần Huy Ánh phân tích, việc xây dựng bảo tàng này đã được bàn lâu rồi nhưng  tranh luận về sự cần thiết đi kèm những vấn đề về năng lực tài chính, giá trị nghệ thuật hữu ích thực sự đến giờ vẫn được đặt ra. Theo ông Ánh, lãng phí trong sử dụng không gian bảo tàng để làm nhà hàng tiệc cưới, quán café hàng cơm… hay dịch vụ hội nghị cho thấy công năng sử dụng không gian bảo tàng còn tràn lan là chưa cần thiết trong thời điểm này. Hà Nội có hàng chục bảo tàng nhưng chỉ có 2-3 cái thu hút khách đến thăm là do sự công phu tính khoa học, sự chuyên nghiệp của bảo tàng. Bảo tàng phải mang tính chuyên nghiệp chứ nếu nghiệp dư thì không cần.

“Tôi vẫn cho rằng, việc xây dựng bảo tàng là cần thiết nhưng không phải lúc này. Khi nền kinh tế chưa đủ mạnh, công cụ bảo tàng còn yếu kém, không gian bảo tàng hiện có còn sử dụng lãng phí thì không cần thêm bất cứ cái nào mới nữa. Cái cũ còn sử dụng chưa đâu vào đâu thì mới thêm làm gì. 5- 10 năm nữa làm cũng chưa muộn”, KTS Ánh nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói: “Hãy nhìn vào trong 10 năm qua khi Thủ tướng đồng ý xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cơ quan chức năng đã tổ chức trưng bày mới với quan điểm mới, cách tiếp cận mới như thế nào hay chỉ lôi hiện vật cũ ra trưng bày. Muốn làm mới, làm tốt để thu hút khách phải chuẩn bị nội dung cho tốt, cán bộ cho tốt mới có thể nghĩ đến bảo tàng tương lai hấp dẫn được”. 

Theo tờ trình thẩm định dự án năm 2012 của Bộ Xây dựng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư lên đến 11.277 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày. Được biết, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới Tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha. Bảo tàng gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính; khu tưởng niệm danh nhân; khu trưng bày ngoài trời; hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan.

MỚI - NÓNG