Tiền Phong số 248 (5/9/2017) có bài về dự án siêu bảo tàng lịch sử Quốc gia đang gặp khó khăn về vốn. Nhiều chuyên gia cho rằng lúc này nên cân nhắc, tạm dừng dự án, tránh cho ngân sách gánh nặng chi tiêu. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Hiện nay số lượng bảo tàng ở Việt Nam lên đến con số hơn 100 nhưng nghịch lý là, số bảo tàng thu hút khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Chiến, chả nơi đâu như ở Việt Nam, mỗi tỉnh có một bảo tàng tổng hợp rồi có cả bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng chuyên đề… Cơ quan chức năng phải quản lý, cân nhắc việc cho phép xây dựng mới bảo tàng. Có một thực tế là lâu nay hệ thống bảo tàng Việt Nam quá đông đảo, trải dài khắp các vùng miền đất nước, tuy nhiên, công tác liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng để phát huy sức mạnh, tăng cường quảng bá thu hút khách vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Hầu hết các bảo tàng chưa gắn kết với các chương trình du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách. Đây là sự lãng phí tài nguyên du lịch, bởi sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa đang là xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia.
Như ông nói chúng ta có quá nhiều bảo tàng nhưng hoạt động không có hiệu quả, gây lãng phí. Theo ông, có nên tiếp tục đầu tư xây dựng một bảo tàng hoành tráng như siêu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong lúc ngân sách đang khó khăn?
Tình hình kinh tế có khó khăn nên cơ quan chức năng có thể phải cân nhắc việc quyết định có nên tiếp tục xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay không. Từ đầu năm, ban xây dựng nội dung hình thức của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng không hoạt động gì và phải chuyển về ăn lương của bảo tàng. Họ không được hưởng chế độ ưu đãi như mấy năm trước.
Rõ ràng, nó là vấn đề phản ánh đúng xu thế trong tình hình kinh tế còn phải đầu tư vào việc khác nên làm một bảo tàng quy mô hoành tráng khu vực Đông Nam Á cũng hay, nhưng chưa phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Cái này ai cũng nhìn thấy.
Thêm nữa, một bằng chứng sống là Bảo tàng Hà Nội xây dựng với số lượng kinh phí lớn nhưng nội dung và hoạt động không tương thích. Cho nên chính những người có trách nhiệm quyết định việc tiếp tục xây Bảo tàng Lịch sử quốc gia hay không phải nhìn từ Bảo tàng Hà Nội.
Tôi thấy, chủ trương từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho Bảo tàng quốc gia hiện nay nâng cấp hệ thống trưng bày. Chủ trương này đáp ứng yêu cầu trước mắt và giúp bảo tàng hoạt động 5- 10 năm nữa chứ chưa cần thiết xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới ngay.
Từ thực tế của mình, ông thấy các bảo tàng hiện nay đang có những hạn chế, yếu kém gì thưa ông?
Yếu kém của ta là việc đào tạo được nguồn nhân lực tốt cho bảo tàng. Ở nước ngoài, việc tuyển chọn nhân sự cho bảo tàng rất quan trọng. Nếu chọn người làm công tác trưng bày, họ tuyển dụng người tốt nghiệp ngành mỹ thuật; chọn người làm công việc nghiên cứu và sưu tầm thì đó là người học ngành lịch sử, lịch sử mỹ thuật; chọn người làm công việc thuyết minh, họ chọn người học văn hóa học hay ngoại ngữ; chọn người làm công tác bảo quản hiện vật thì đó là những người học các ngành lý, hóa, sinh...
Sau đó, những người này mới tiếp tục học ở bậc cao hơn trong lĩnh vực bảo tàng, theo đúng chuyên môn. Nhờ vậy họ có trình độ chuyên môn cao và chuyên nghiệp. Trong khi đó ở Việt Nam, các trường đại học văn hóa có đào tạo cử nhân ngành bảo tồn - bảo tàng. Sinh viên học đủ các kiến thức: lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, trưng bày, bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị, truyền thông... theo kiểu nhồi nhét một mớ lý thuyết suông, rất ít có cơ hội tiếp cận thực tế và thực hành chuyên môn.
Mỗi môn học chỉ vài chục tiết nhưng cái gì cũng học. Những cử nhân ngành bảo tàng học này được xem là cái gì cũng biết, nhưng thực tế thì không biết một cái gì đến đầu đến đũa nên khi bắt tay vào việc thì lúng túng, không làm được việc.
Phải kể được những câu chuyện hấp dẫn
Vậy chúng ta có hy vọng gì để thu hút du khách đến siêu dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước những hạn chế và vết xe đổ của các bảo tàng hiện có?
Quan trọng là công tác chuẩn bị, trong chuẩn bị có tài liệu hiện vật, đầu tư nghiên cứu dưới dạng đề tài. Giao cho bảo tàng Lịch sử Quốc gia sưu tầm tài liệu hiện vật, phân chia các cán bộ chuyên đề, mỗi chuyên đề dành cho nội dung trưng bày phù hợp. Những người làm bảo tàng phải kết hợp các hiện vật với nhau thành một chuỗi các câu chuyện bình dị dễ hiểu. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là bảo tàng biết kể những câu chuyện như thế nào để hấp dẫn với khách, có như vậy mới thu hút dẫn được du khách đến bảo tàng.
Ngoài ra, chúng ta phải rất chú trọng đến việc hợp tác quốc tế để tạo cơ sở và nhận thức làm thế nào để có thể xây dựng được một bảo tàng tốt. Tôi nghĩ yếu tố con người là yếu tố quan trọng, bên cạnh đó cần coi trọng chất lượng hoạt động, chất lượng trưng bày, chất lượng tổ chức. Vì chỉ có đề cao chất lượng thì các bảo tàng mới thu hút được khách tham quan.
Xin cảm ơn ông.
* GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN: Cái lầm lớn nhất ở ta hiện nay là cơ chế xây dựng bảo tàng. Tại sao một thiết chế văn hóa mà lại đưa cho một ngành không liên quan gì đến văn hóa làm từ A - Z? Giám đốc bảo tàng, các chuyên gia bảo tàng chỉ có “chân” trong ban quản lý “cho có”? Kết quả là “anh” xây cho tôi được cái nhà, nhưng khi tôi mang “đồ dùng - hiện vật” vào thì không biết trưng bày ra sao? Những bảo tàng nghìn tỷ gần đây nhất như Bảo tàng Hà Nội (do Sở Xây dựng HN làm chủ đầu tư), Bảo tàng Quảng Ninh (do Ban quản lý các công trình văn hóa UBND tỉnh làm)… cho thấy cái cơ chế ấy đã làm cho nó “chết yểu” ra sao. * Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Hanoi Red Tours: Bảo tàng của ta nhiều nhưng vụn, nhiều bảo tàng nhỏ, hiện vật nghèo nàn, sơ sài, hiện vật phục chế nhiều, ít giá trị nguyên mẫu. Thông tin hướng dẫn rất đơn điệu. Các thông tin thuyết minh phụ trợ hầu như rất ít, năng lực hướng dẫn của các hướng dẫn viên chưa đáp ứng được. Sự cởi mở, gần gũi, sự gắn kết giữa bảo tàng và du lịch chưa tốt.